Học sinh hào hứng tham gia
Nhằm giúp HS ôn luyện và học tập, từ ngày 9/3/2020, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Đài PTTH Hà Nội tổ chức sản xuất và phát sóng Chương trình học trên truyền hình dành cho HS lớp 9 và lớp 12. Ghi nhận của phóng viên sau gần một tuần dạy học trên truyền hình cho thấy, Sở GD&ĐT Hà Nội lựa chọn những giáo viên dày kinh nghiệm, cách giảng dễ hiểu, giọng nói dễ nghe, các buổi đầu ôn lại nội dung kiến thức trong phạm vi sách giáo khoa nên HS hào hứng tham gia.
Học sinh Hà Nội ôn tập qua truyền hình (Ảnh: Phạm Hùng)
Trần Thùy Dương - HS lớp 9, trường THCS Nguyễn Trường Tộ (quận Đống Đa) nhận xét: “Em đã học 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, giáo viên dạy dễ hiểu. Em đặc biệt thích thầy Vũ Tiến Thịnh - giáo viên dạy Văn trường THPT Ngô Sỹ Liên. Thầy giảng bài thơ Mùa xuân nho nhỏ bằng chất giọng truyền cảm, biểu cảm trên khuôn mặt. Khi phân tích đến khổ thơ nào, thầy đọc luôn đoạn đó và còn dẫn chứng một số câu thơ liên quan của các nhà thơ khác, giúp chúng em hiểu bài nhanh hơn”.
Nhiều HS cho biết, dạy trên truyền hình là kênh rất hữu ích khi các em nghỉ học chống dịch Covid - 19. Tuy nhiên, vì thời lượng mỗi buổi học ngắn, chỉ 30 phút (tính cả thời gian giao bài tập) nên một số giáo viên giảng nhanh, HS theo không kịp. Vì thế, các em mong muốn thời gian mỗi môn học kéo dài hơn, thầy cô giảng chậm hơn.
Khi nhận được thông báo Sở GD&ĐT Hà Nội triển khai dạy học trên Đài PTTH Hà Nội vào các ngày trong tuần, lãnh đạo một số trường THCS và THPT đã thông tin đến phụ huynh và HS. Hiệu trưởng trường THCS & THPT Lê Quý Đôn (quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Quốc Bình cho biết, mấy ngày đầu có khoảng 70% HS tham gia học, bước đầu nhận xét hứng thú và đáp ứng được nguyện vọng.
Ủng hộ chương trình dạy học trên truyền hình, ông Nguyễn Khắc Thành - Hiệu trưởng trường THCS Dân Hòa (huyện Thanh Oai) thông tin: “100% HS của trường tham gia học trên truyền hình. Cách dạy của giáo viên dễ hiểu, đến được hầu hết HS, khi giao bài tập có câu hỏi dễ, câu khó, mức độ từ nhận biết đến vận dụng”.
Sớm khắc phục những hạn chế
Theo Đài PTTH Hà Nội, sẽ có 12 môn học được phát sóng, mỗi số phát sóng là một môn học với thời lượng 30 phút. Cụ thể, học sinh lớp 9 học 3 môn: Toán, Ngữ văn và tiếng Anh vào khung giờ 9h15 các ngày từ thứ Hai đến thứ Bảy. Học sinh lớp 12 học 9 môn, gồm: Toán, Ngữ Văn, tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân vào các khung giờ: 14h30, 15h15 và 16h các ngày từ thứ Hai đến thứ Bảy.
Nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định, Sở GD&ĐT Hà Nội triển khai dạy học trên truyền hình là giải pháp đáp ứng nhu cầu trước mắt của HS. Nhất là đối tượng HS lớp 9 chuẩn bị thi tuyển sinh vào 10 và HS lớp 12 thi THPT Quốc gia 2020 rất cần củng cố kiến thức. Dẫu biết rằng, giảng dạy trên truyền hình không có lợi thế bằng dạy học trực tuyến, vì HS không thể tương tác ngay được với giáo viên lúc đó nhưng bù lại, HS có thể vào website, kênh Youtube hoặc Fanpage của Đài PTTH Hà Nội để xem lại.
Một hạn chế nữa cũng được chỉ ra là kiến thức bài học, cách giảng của giáo viên phù hợp với đối tượng HS này nhưng lại chưa đáp ứng được nhu cầu của em khác. Về phía giáo viên, có thầy cô chưa có kinh nghiệm giảng trên truyền hình nên có đôi lúc bị căng thẳng, nói vấp. Vì thế, để việc dạy học trên truyền hình đáp ứng được nhiều đối tượng HS, theo ông Nguyễn Quốc Bình, cần có sự hỗ trợ của giáo viên.
“Chúng tôi đã yêu cầu thầy cô bộ môn theo dõi chương trình phát trên truyền hình và kết nối với HS sau giờ giảng để giải quyết những vấn đề các em chưa hiểu, cần sự hỗ trợ” - ông Bình nói.
Góp ý cho hoạt động giảng dạy trên truyền hình, bà Lê Thị Thùy Dương - Tổ trưởng Tổ Toán, trường THCS Ban Mai (quận Hà Đông) đưa ra ý kiến: Để hỗ trợ tốt nhất cho tất cả đối tượng HS, giáo viên bộ môn của trường bám sát nội dung ôn tập của Sở GD&ĐT Hà Nội; chủ động tăng cường thêm hệ thống bài tập bổ trợ. Đồng thời, xây dựng hệ thống bài tập online từ trắc nghiệm tới tự luận để phù hợp với tất cả đối tượng HS.
“Có thể, trong khung giờ phát sóng, ngoài việc phát video bài giảng, Đài PTTH Hà Nội có thể cho thầy cô giảng dạy trực tiếp livestream, tương tác và trả lời một số câu hỏi thắc mắc hoặc về chủ đề kiến thức của HS. Khi tăng tính tương tác sẽ giúp HS chủ động và hứng thú hơn với bài giảng” - bà Thùy Dương nhấn mạnh.