Bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện đang kiến nghị mức căn cứ tiền lương đóng BHXH thấp nhất phải bằng 70% bình quân tổng thu nhập của người lao động, trong báo cáo về tình hình thực hiện Chính sách BHXH và quản lý quỹ thời gian vừa qua gửi đến Bộ LĐ -TB-XH.
Theo đó, khi tiến hành đánh giá về số lao động, số doanh nghiệp thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa tham gia thời gian vừa qua, báo cáo của BHXH Việt Nam nhận định, theo dữ liệu cơ quan Thuế cung cấp, hiện ước tính có khoảng 162.671 đơn vị và doanh nghiệp chưa tham gia BHXH cho người lao động.
Nhóm này tập trung chủ yếu ở khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh với quy mô nhỏ, siêu nhỏ, với số lao động, cá nhân có thu nhập cần rà soát trên 3 triệu người.
Có khoảng 500.000 – 800.000 lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia BHXH bắt buộc.
Báo cáo này cũng chỉ ra tình trạng nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn xảy ra ở hầu hết các tỉnh thành phố.
Trong một thống kê chính thức đến ngày 31/12/2020, tổng số nợ các loại BHXH hơn 13.500 tỷ đồng, chiếm 3,35 % số phải thu.
Trong khi đó, nợ BHXH bắt buộc là hơn 8.600 tỷ đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp là 335 tỷ đồng.
Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp chỉ xây dựng thang lương, bảng lương để đóng BHXH bằng mức thấp nhất, cơ quan này kiến nghị sửa đổi quy định về tiền lương đóng BHXH nhằm đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất khả năng trốn tránh các khoản phải đóng của doanh nghiệp, theo hướng quy định tiền lương làm căn cứ đóng thấp nhất bằng 70% bình quân tổng thu nhập của người lao động.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm chấp hành đúng quý định pháp luật về tiền lương, xử lý nghiêm cũng như kịp thời các vi phạm về tiền lương cũng như BHXH.