Để phòng chống Mers-Cov xâm nhập vào Việt Nam, từ 0h hôm nay (5/6) tất cả cửa khẩu quốc tế đường hàng không, đường thủy và đường bộ trên toàn quốc, áp dụng khai báo y tế đối với hành khách nhập cảnh đến từ các quốc gia có dịch MERS.
Các quốc gia có dịch MERS, bao gồm: Ảrập Xêút, Qatar, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Oman, Yemen, Kuwait, Lebanon, Jordan, Iran, Bahrain và Hàn Quốc.
Đà Nẵng- Địa phương đầu tiên siết chặt các sân bay, cảng biển quốc tế phòng chống dịch bệnh Mers-CoV
Sở Y tế Đà Nẵng đã triển khái áp dụng tờ khai báo y tế cho các du khách Hàn Quốc đi bằng đường tàu biển, sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Ngày 4/6, Sở Y tế TP Đà Nẵng đã họp khẩn cấp với các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn về phòng chống lây nhiễm Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do MERS-CoV. Ngoài ra, Đà Nẵng đã triển khái áp dụng tờ khai báo y tế cho các du khách Hàn Quốc đi bằng đường tàu biển đến TP. Trước đó, ngày 3-6, việc áp dụng tờ khai y tế đã được triển khai tại sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Hành khách Hàn Quốc nhập cảnh Việt Nam tối 3/6 điền tờ khai y tế. Ảnh: Ngọc Châu |
Ngành y tế Đà Nẵng lo ngại nguy cơ lây truyền dịch bệnh MERS-CoV vào Đà Nẵng khi mỗi tuần sân bay quốc tế Đà Nẵng có 22 chuyến bay từ Hàn Quốc đến với khoảng 4.500 hành khách. Cùng với đó là 63 chuyến bay/tuần với 12.000-13.000 người từ Trung Quốc tới. Trong khi cả hai quốc gia này đều có người mắc bệnh MERS-CoV.
Theo Trung tâm y tế dự phòng Đà Nẵng, hiện đơn vị này đã sẵn sàng phương án phòng chống dịch bệnh này với 2 đội phòng chống dịch cơ động, 90 bộ quần áo chuyên dụng, 1.500 kg chloramin B…
Tại cuộc họp này, một số bệnh viện lo ngại nếu tổ chức thu dung điều trị khi xuất hiện ca bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng sẽ rất nguy hiểm vì ở đây quá đông đúc, dễ lây lan dịch bệnh ra ngoài.
Hà Nội: Xây dựng kế hoạch tăng cường công tác phòng chống tại sân bay quốc tế Nội Bài
Trước nguy cơ MERS-CoV có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam qua đường cửa khẩu hàng không, đại diện Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, để chủ động ngăn chặn, phòng chống dịch MERS-CoV, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch tăng cường công tác phòng chống tại sân bay quốc tế Nội Bài. Tại sân bay, đã triển khai tờ khai y tế và máy đo thân nhiệt đối với khách nhập cảnh đến từ các vùng có dịch. Kế hoạch được vạch ra để đối phó ba tình huống. Tình huống thứ nhất là khi chưa có hành khách có biểu hiện MERS-CoV trên các chuyến bay quốc tế đến nhưng dịch có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam. Tình huống hai là phát hiện có hành khách nghi ngờ nhiễm MERS-CoV trên máy bay. Tình huống ba là có dịch lây lan trong cộng đồng.
Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm bổ sung các bàn khai và cán bộ hướng dẫn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách khai tờ khai y tế. Để tránh xảy ra tình trạng ùn tắc tại khu vực kiểm dịch y tế khi có nhiều chuyến bay đến cùng lúc, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế phối hợp chặt chẽ với bộ phận cảng vụ làm việc với các hãng hàng không chuyển tờ khai y tế lên các chuyến bay để hành khách khai báo ngay trên máy bay. Hiện tại, sân bay Nội Bài mỗi ngày có khoảng 10 chuyến bay từ Hàn Quốc và Trung Đông đến Hà Nội với trung bình 200 hành khách trên mỗi chuyến bay.
Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế đã phối hợp chặt chẽ với bộ phận cảng vụ bố trí thêm 2 khu vực cách ly tại nơi nhập cảnh phòng trường hợp có nhiều ca bệnh nghi ngờ. Trung tâm bố trí 2 ca làm việc/ngày, 7 cán bộ/ca, trực làm việc 24/24h.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết nếu phát hiện ca bệnh nghi ngờ, sẽ cách ly và chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư và thông báo cho Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội tổ chức giám sát dịch tại cộng đồng.
TPHCM: Nguy cơ MERS xâm nhập rất lớn
Chiều 4/6, đoàn công tác của Bộ Y tế, do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu, đã làm việc tại 2 bệnh viện lớn của TPHCM nhằm kiểm tra khả năng thu dung, điều trị bệnh nhân MERS-CoV.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (giữa) kiểm tra công tác chuẩn bị tiếp nhận, điều trị bệnh nhân MERS-CoV tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM. Ảnh: Quốc NgọcTrả lời báo chí, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long quan ngại về tốc độ lây lan MERS-CoV ở Hàn Quốc - quốc gia có mối thông thương lớn với Việt Nam. Theo ông Long, trong số 35 ca mắc tại Hàn Quốc, đáng lo ngại có những ca lây nhiễm thế hệ thứ 3, tức đã có người bị lây mà không qua tiếp xúc trực tiếp với ca mắc đầu tiên. Thứ trưởng Long cho rằng, nguy cơ MERS-CoV thâm nhập vào Việt Nam rất lớn, đặc biệt là phía Nam. Theo thống kê, mỗi ngày có khoảng 2.000 khách đến TPHCM và 1.000 khách đến Hà Nội từ Hàn Quốc. Ngoài các biện pháp giám sát tại cửa khẩu, tại các cơ sở điều trị, phải hết sức chú ý yếu tố dịch tễ người đến từ vùng dịch. “Do thời gian ủ bệnh lâu (2-14 ngày) kèm biểu hiện lâm sàng của MERS-CoV rất dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp, cảm cúm thông thường khác, nên hễ thấy bệnh nhân sốt, đau đầu, buồn nôn thì bác sĩ phải hỏi ngay trước đó bệnh nhân có đến, đi từ vùng dịch hay không”, ông Long lưu ý.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng công tác thu dung, điều trị cho bệnh nhân MERS-CoV, gồm trang thiết bị hồi sức cấp cứu, máy thở, vật tư y tế, hóa chất… Bệnh viện cũng thiết lập đường dây nóng với các bệnh viện tuyến tỉnh để sẵn sàng hỗ trợ. Tuy nhiên, lo ngại nhất là tình trạng lây nhiễm chéo khi lượng bệnh nhân đến viện rất đông, lên đến 2.700 bệnh nhân/ngày, chưa kể thân nhân đi theo. “Do đó, nếu có ca MERS-CoV vào viện, nguy cơ lây nhiễm chéo sẽ rất lớn”, ông Sơn cảnh báo.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Khoa Khám bệnh đã có kế hoạch phân loại bệnh nhân. Ngoài ra, để phục vụ công tác quan trọng của bệnh viện là tiếp nhận những trường hợp nghi nhiễm MERS-CoV chuyển về từ sân bay Tân Sơn Nhất, Khoa Nhiễm D đã triển khai khu cách ly, với các phòng cách ly áp lực âm hiện đại. Bệnh viện cũng đủ khả năng chẩn đoán, xét nghiệm MERS-CoV.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trường hợp hành khách đi về từ vùng dịch có biểu hiện nghi ngờ MERS-CoV sẽ được cách ly theo quy định và xét nghiệm hoàn toàn miễn phí.
Dã Quỳ (Tổng hợp)