Theo tin tức trên Vnexpress, Lao động thủ đô, Kinh tế đô thị, đây là nội dung tại cuộc họp khẩn giữa Sở Y tế Hà Nội với giám đốc 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, giám đốc các bệnh viện trong và ngoài công lập trên địa bàn. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, 6 bệnh viện mũi nhọn là Bắc Thăng Long, Đống Đa, Thanh Nhàn, Đức Giang, Xanh Pôn, Hà Đông có phương án chuẩn bị 1.000 giường bệnh chống dịch. Những cơ sở này phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ cơ số thuốc, trang bị, vật tư, tổ chức diễn tập sẵn sàng kích hoạt khi có tình huống ca bệnh xảy ra.
Sở Y tế phối hợp với Bộ Tư lệnh thủ đô đã hoàn thiện phương án thành lập 2 bệnh viện dã chiến với quy mô mỗi bệnh viện 600 giường bệnh. Phương án này trình UBND thành phố.
Bệnh viện đa khoa Đức Giang phát khẩu trang miễn phí cho người dân đến khám bệnh. Ảnh: Lao động thủ đô
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết việc xuất hiện ca dương tính Covid-19 tại Hà nội nằm trong kịch bản phòng chống dịch của thành phố. Trong những ngày tới thành phố cần sẵn sàng tâm thế để tiếp tục điều tra, cách ly y tế, kịp thời phát hiện người dương tính Covid-19. Mỗi cán bộ y tế và người dân không chủ quan nhưng cũng hết sức bình tĩnh, tiếp nhận thông tin tình hình dịch bệnh một cách chính thống cũng như chủ động các biện pháp bảo vệ bản thân theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Hiện thành phố đã thành lập 5 đội phản ứng nhanh luôn thường trực sẵn sàng 24/24 giờ, tổ chức xuống thực địa để triển khai các biện pháp khoanh vùng, điều tra, xử lý ổ dịch, lấy mẫu bệnh phẩm tất cả trường hợp nghi nhiễm Covid-19 để làm xét nghiệm. Khoa Xét nghiệm của các bệnh viện sẽ thường trực 24/24 giờ, đảm bảo đủ nhân lực phục vụ công tác lấy mẫu tất cả trường hợp nghi nhiễm được xét nghiệm khi có yêu cầu.
TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, yêu cầu các đơn vị cần tập trung vào hai vấn đề chính, thứ nhất, cần rà soát lại kịch bản phòng chống dịch của đơn vị, chú trọng sang hướng dự phòng, giám sát tại cộng đồng để chủ động phát hiện ca bệnh, tuân thủ quy trình cách ly, hạn chế tối đa việc lây nhiễm. Thứ hai, tập trung cho công tác truyền thông, thông tin chính xác, minh bạch về tình hình dịch bệnh tại địa phương, nhất là các hướng dẫn của ngành Y tế để cộng đồng cùng hiểu và chung tay với chính quyền địa phương trong phòng chống dịch.