Sau mỗi lần bạn thái, chặt thịt thì bề mặt của thớt gỗ sẽ xuất hiện nhiều vết xước. Những chỗ xước này rất khó làm sạch, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc có cơ hội phát triển và gây hại cho sức khỏe. Hội đồng Vệ sinh Toàn cầu từng công bố nghiên cứu, cho biết trên bề mặt thớt gỗ có chứa nhóm vi khuẩn E.coli, Fecal gấp 200 lần… bồn cầu.
Do vậy, những vi khuẩn trên vết nứt của thớt sẽ xuất hiện rất nhanh và khó loại bỏ nếu không được rửa sạch sẽ sau 1 giờ. Đặc biệt, tại vết nứt còn có thể xuất hiện vi khuẩn Salmonella, E.coli và campylobacter. Đây là những vi khuẩn gây tiêu chảy và bệnh đường ruột. Thật may mắn khi giấm lại là nguyên liệu có thể làm sạch thớt.
Trước tiên, bạn hãy rửa thớt với nước sạch rồi lau khô bề mặt thớt, sau đó đổ 2 thìa giấm lên thớt, dùng tay dàn đều. Giấm trắng có tính axit giúp làm mềm chất bẩn và khử trùng, sau đó, bạn hãy rắc muối lên bề mặt thớt để khử trùng, diệt khuẩn và tăng độ ma sát trên bề mặt thớt. Sau 10 phút, bạn rửa lại thớt là có thể yên tâm sử dụng cho lần kế tiếp.
Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng kem đánh răng để lau chùi. Cụ thể, bạn cũng đổ giấm vào thớt trong khoảng 10 phút hoặc đến khi giấm khô lại thì cho một lượng kem đánh răng vừa đủ lên mặt thớt và dùng bàn chải chà mạnh. Kem đánh răng có chất mài mòn sẽ giúp khử khuẩn hiệu quả, làm bong mùn đen từ bề mặt thớt. Đây chính là những chất cặn bẩn bám trên thớt lâu ngày.