Vào 20h30 tối ngày 18/7, Đoàn thể thao Việt Nam đã chính thức lên đường tham dự Olympic Tokyo 2020. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Đoàn thể thao Việt Nam chỉ có 18 VĐV tranh tài ở 11 bộ môn. Trước đó ở kì Olympic 2016, Việt Nam có 23 VĐV tranh tài ở 10 bộ môn.
Năm nay các VĐV cũng gặp nhiều khó khăn trong việc cọ xát, tích lũy kinh nghiệm để tham dự kỳ Thế vận hội. Tuy nhiên ai cũng hy vọng những đại diện của Việt Nam có thể giành được huy chương trong các bộ môn tham dự, giống như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã từng làm được cách đây 4 năm với tấm HCV môn bắn súng.
Trước khi lên đường tham dự Olympic, các doanh nghiệp tài trợ cũng đã công bố mức thưởng cho các VĐV đoạt HCV tại Olympic Tokyo 2020. Theo đó, cộng với mức thưởng theo quy định của nhà nước, các VĐV sẽ nhận 80.400 USD (khoảng 1,85 tỷ đồng) nếu đoạt HCV.
Con số này sẽ giảm xuống 44.300 USD (khoảng 1.02 tỉ đồng) cho VĐV đoạt HCB và 27.800 USD (khoảng 640 triệu đồng) cho VĐV đoạt HCĐ.
Nếu so với những mức thưởng trước, cụ thể khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đoạt HCV tại Olympic Rio 2016, con số này thấp hơn. Cụ thể cách đây 5 năm, Hoàng Xuân Vinh đã nhận mức thưởng gần 5 tỉ đồng.
Còn nếu so với mức thưởng trong khu vực, các VĐV Việt Nam cũng nhận được mức thưởng thấp nhất. Các VĐV Philippines tham dự Olympic Tokyo 2020 nếu giành HCV sẽ nhận khoảng 199.000 USD (4,5 tỉ VNĐ), với HCB là 99.000 USD (2,2 tỉ) và HCĐ là 39.000 USD (915 triệu).
Trong khi đó, Thái Lan sẽ thưởng 366.000 USD (8,4 tỉ VNĐ) cho HCV, 220.000 USD (5,06 tỉ) cho HCB và 146.000 USD (3,3 tỉ) cho HCĐ. Tuy nhiên đây chưa phải mức thưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Theo công bố của Hội đồng Olympic quốc gia Singapore, họ vẫn quyết định giữ nguyên mức thưởng lớn 738.000 USD, tức gần 16,9 tỉ VNĐ cho HCV tại Olympic năm nay, con số này gấp khoảng 9 lần mức thưởng HCV cho VĐV Việt Nam. Bên cạnh đó, HCB cũng sẽ nhận 369.000 USD (8,4 tỉ), HCĐ nhận 184.000 USD (4,2 tỉ). Đây cũng chính là quốc gia có mức thưởng cao nhất cho các VĐV giành được huy chương tại thế vận hội Olympic trong khu vực Đông Nam Á.