Giới khoa học địa chất Mỹ cho biết, sau động đất Nepal, thủ đô Kathmandu nước này có thể đã dịch chuyển khoảng 3 mét theo hướng nam. Các dịch chuyển này đủ lớn để phải điều chỉnh lại bản đồ Thế giới.
Liên quan đến vụ động đất mạnh 7,9 độ Richter ở Nepal, giới khoa học địa chất Mỹ cùng ngày cho biết, thủ đô Kathmandu của nước này có thể đã dịch chuyển khoảng 3 mét theo hướng nam.
Theo các số liệu phân tích ban đầu, một mảng thạch quyển dài khoảng 90km và rộng 50km nằm dưới thung lũng Kathmandu, dưới áp suất hàng thập kỷ qua đã trượt đi, khiến đất đá trên bề mặt rãnh đứt gãy dịch chuyển theo hướng nam. Các dịch chuyển này đủ lớn để phải điều chỉnh lại trên các bản đồ địa lý thế giới có độ chính xác cao.
Được biết, trận động đất kinh hoàng này bắt nguồn từ dư âm của một vụ va chạm giữa hai mảng địa chất thời cổ đại. Cách đây 25 triệu năm, Ấn Độ từng là một hòn đảo nằm riêng biệt trên Ấn Độ Dương. Sau đó, hòn đảo này ngày càng có xu hướng trôi dạt về phía đất liền và đã va chạm với lục địa châu Á.
Một góc thủ đô Kathmandu của Nepal sau trận động đất được nhìn từ trên cao. |
Căn cứ trên bản đồ thế giới, Nepal nằm ở vị trí nơi xảy ra sự va đập của các mảng địa chất. Chính vì vậy, sự xuất hiện của những cơn địa chấn với độ rung lắc mạnh cũng không phải là một sự kiện quá lạ lẫm với quốc gia này. Nói cách khác thì trận động đất ngày 25/4 có thể coi là "thảm họa được báo trước".
"Thông tin về những vùng xa xôi hẻo lánh hiện vẫn rất ít", CNN dẫn lời Devendra Singh Tak, nhân viên thuộc tổ chức Save the Children, nói và thêm rằng những tuyến đường tới các khu vực này hiện đã bị chặn. Hệ thống thông tin liên lạc không ổn định.
Theo tin tức trên tờ Telegraph, mới một tuần trước 50 nhà khoa học động đất từ khắp thế giới đã đến Kathmandu để thảo luận biện pháp giúp quốc gia nghèo nàn, chật chội, và hạ tầng yếu kém này có sự chuẩn bị tốt nhất để đối phó với một trận động đất lớn, tương tự như cơn địa chấn năm 1934 khiến cả thành phố hoang tàn.
Các chuyên gia biết họ phải chạy đua với thời gian, nhưng không thể ngờ được rằng động đất lại xảy ra sớm đến thế.
“Đó là một cơn ác mộng chực chờ trở thành hiện thực - nhà địa chấn học James Jackson thuộc ĐH Cambridge (Anh) đánh giá - Những gì chúng tôi nghĩ rằng sẽ xảy ra đã xảy ra đúng như thế”.
Nhưng chuyên gia Jackson không hề đoán được trận động đất dữ dội xảy ra ngay vào hôm qua 25-4. Cơn địa chấn 7,9 độ Richter đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.340 người tại Nepal.
“Một tuần trước đó tôi đi dạo ở ngay địa điểm xảy ra động đất và nghĩ sớm muộn gì khu vực này cũng gặp rắc rối” - ông tiết lộ.
Quân đội Nepal tham gia công tác cứu trợ động đất. |
Trên thực tế, giới chuyên gia đều thống nhất rằng một trận động đất mạnh ở Kathmandu sớm muộn cũng xảy ra do khu vực này nằm trên đường nứt gãy tự nhiên. Nhưng vấn đề là Kathmandu, cũng như các thành phố khác ở Nepal, quá đông dân, người dân sống chen chúc nhau, nên khi thảm họa xảy ra số người thiệt mạng là rất lớn.
Nhà địa chấn học Mỹ David Wald cho biết một trận động đất 7,9 độ Richter có thể giết 10-30 người trên 1 triệu dân ở California (Mỹ), nhưng có thể sát hại tới 1.000 người ở Nepal, và 10.000 người ở một số vùng tại Pakistan, Ấn Độ, Iran và Trung Quốc.
“Động đất là vấn đề của tự nhiên, nhưng hậu quả của chúng có yếu tố do con người tạo ra - chuyên gia Jackson nhấn mạnh - Không phải động đất mà các tòa nhà sụp đổ mới là hung thủ giết người. Nếu bạn sống ở một sa mạc phẳng thì động đất không thể giết bạn. Đương nhiên chẳng ai muốn sống ở đó”.
Các chuyên gia cho rằng mối nguy hiểm mà châu Á phải đối mặt là người dân tập trung quá đông ở các đô thị. Tổ chức Geohazards International cho biết hồi ngày 12-4 có cập nhật một báo cáo từ thập niên 1990 về nguy cơ động đất tại thung lũng Kathmandu.
“Với mức độ tăng trưởng dân số 6,5% mỗi năm và mật độ dân số dày đặc, 1,5 triệu người sống ở thung lũng Kathmandu đối mặt với nguy cơ động đất nghiêm trọng - báo cáo cho biết - Một trận động đất mạnh sẽ giết rất nhiều người, phá hủy hạ tầng và gây khó khăn kinh tế lớn”.
Geohazards International cho biết trong nhiều năm, chính quyền Nepal không đưa ra và xiết chặt các quy định xây dựng cần thiết để chống động đất. Hiện Nepal đã có các quy định này nhưng các tòa nhà cũ không thể chịu nổi động đất.
Yên Yên (tổng hợp)