Tổng thống Indonesia Joko Widodo khảo sát một địa điểm có thể trở thành thủ đô mới tại Bukit Soeharto ở tỉnh Đông Kalimantan hôm 7/5/2019. Ảnh: Thư ký Nội các Indonesia
"Jakarta đã chịu những gánh nặng quá lớn khi là trung tâm hành chính, kinh doanh, tài chính, thương mại và dịch vụ cũng như là nơi đặt sân bay và cảng biển lớn nhất đất nước", ông Joko phát biểu tại một cuộc họp báo. Gánh nặng trên đảo Java cũng gia tăng khi nơi đây hiện là nhà của 150 triệu người, tức 54% dân số nước này, ông nói thêm.
Jakarta đã từng là trung tâm hành chính, tài chính và thương mại của đất nước kể từ khi độc lập vào năm 1949. Tuy nhiên, thành phố đã bị tắc nghẽn giao thông, quá tải, ô nhiễm lan rộng và lũ lụt thường xuyên trong nhiều thập kỷ. Jakarta cũng đang bị chìm 10cm mỗi năm và người dân nơi đây phải đào những giếng sâu để hút nước thô lên dùng.
Nghị viện sẽ phải thông qua một đạo luật làm cơ sở pháp lý để hiện thực hóa kế hoạch của Tổng thống về sự thay đổi rất tốn kém này. Theo kế hoạch di dời, Jakarta sẽ là thủ đô thương mại của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á trong khi một thành phố mới sẽ trở thành thủ đô hành chính của Indonesia, giống như vai trò tương ứng của Kuala Lumpur và Putrajaya ở Malaysia. Trước đó, chính phủ Indonesia đã đưa vào danh sách hai khu vực trên đảo Borneo làm thủ đô mới là ở Đông Kalimantan và Trung Kalimantan.
Ông Almuzammil Yusuf, một nghị sĩ thuộc đảng đối lập Công lý Thịnh vượng (PKS) cho biết chính phủ sẽ phải tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng về lý do phải di dời thủ đô và phải đưa ra dự thảo luật cho việc này trước khi quốc hội có thể lên lịch khi nào bắt đầu cân nhắc vấn đề.
Trước đó ông Joko đã giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Kế hoạch Phát triển Quốc gia Bambang Brodjonegoro thực hiện nghiên cứu di dời thủ đô. Cơ quan này đã không công khai chi tiết nghiên cứu.