Một dải rừng Amazon bị cháy khi những người khai thác gỗ và nông dân ở Porto Velho, Brazil phát quang khu vực. Ảnh: Reuters
Dưới đây là những gì bạn cần biết về thảm họa cháy rừng Amazon:
Tại sao rừng Amazon lại quan trọng với toàn cầu?
Amazon, 60% diện tích thuộc Brazil, là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới. Khu rừng này được coi là một điểm nóng đa dạng sinh học với nhiều loại động, thực vật độc đáo.
Rừng Amazon hấp thụ một lượng lớn carbon dioxide của thế giới. Đây là một loại khí thải nhà kính được cho là yếu tố lớn nhất gây biến đổi khí hậu. Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng việc bảo tồn Amazon là rất quan trọng để chống lại sự nóng lên toàn cầu.
Cháy rừng Amazon kinh khủng như thế nào?
Tất cả các vụ cháy rừng đều ở Brazil đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2013. Tính đến ngày 23/8, số vụ cháy đã tăng lên 84% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của cơ quan nghiên cứu vũ trụ Brazil INPE. Trong năm nay đã có 78.383 vụ cháy tính đến thời điểm hiện tại, khoảng một nửa trong số này xảy ra vào tháng 8.
8 trong số 9 bang có rừng Amazon đã chứng kiến sự gia tăng của các vụ cháy rừng trong đó bang lớn nhất Amazonas tăng 146%. Cư dân tại bang Rondonia và Amazonas cho biết dù có cháy rừng hàng năm, họ cũng chưa bao giờ chứng kiến điều tồi tệ như hiện tại. Những đám mây khói đang bao phủ khu vực.
Việc đốn gỗ là nguyên nhân chính gây ra các đám cháy tại rừng Amazon. Ảnh: REX
Nguyên nhân gây ra các đám cháy?
Cháy rừng Amazon thường bùng phát do hoạt động giải phóng mặt bằng. Sau khi con người khai thác gỗ, những người đầu cơ đốt thảm thực vật còn lại để bán đất cho nông dân và chủ trang trại. Amazon có vài tháng mùa khô, đó là lúc những đám cháy này sẽ lan rộng, không thể kiểm soát dễ dàng hơn.
CÁc nhà môi trường nói rằng những kẻ gây ra cháy rừng đã dược khuyến khích bởi họ nghe được Tổng thống Bolsonaro kêu gọi phát triển Amazon hơn nữa. Họ nghĩ hành động của mình sẽ không bị trừng phạt.
Trong 7 tháng đầu năm 2019, phá rừng đã tăng 67% so với cùng kỳ năm trước và tăng gấp 3 lần chỉ trong tháng 7. Các nhà môi trường tin rằng những kẻ phá rừng chính là những kể châm hỏa làm cháy rừng.
Chính phủ Brazil phản ứng ra sao?
Ban đầu, Tổng thống Bolsonaro cho rằng các vụ hỏa hoạn này là bình thường. Sau đó, ông đổ lỗi cho các tổ chức phi chính phủ đốt rừng để phá hoại chính phủ của ông. Ông không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào và sau đó đã phải rút lại tuyên bố.
Ông Bolsonaro nói rằng Brazil không đủ nguồn lực để chữa cháy trong một phạm vi lớn như rừng Amazon, đồng thời cảnh báo các quốc gia khác không can thiệp. Tổng thống cho rằng tiền của nước ngoài rót vào nhằm mục đích phá hoại chủ quyền của Brazil.
Chính phủ đã quyết định huy động quân đội dập lửa và một số bang có rừng Amazon sau đó đã yêu cầu hỗ trợ. Hiện vẫn chưa rõ các lực lượng vũ trang sẽ được triển khai ra sao, hiệu quả như thế nào.
Ảnh: Karikuy
Các lãnh đạo thế giới nói gì?
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi các đám cháy là "sự hủy diệt sinh thái" và trường hợp khẩn cấp quốc tế. Ông cũng chỉ trích chính phủ Brazil khi không làm nhiều hơn để bảo vệ rừng Amazon. Văn phòng Macron tuyên bố sẽ phản đối việc chấp thuận thỏa thuận thương mại tự do giữa EU và khói thương mại Nam Mỹ bởi ông Bolsonaro đã nói dối về những quan ngại môi trường tại thượng đỉnh G20 hồi tháng 6.
Thủ tướng Anh Vladimir Johnson và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ quan ngại về việc phá hủy Amazon nhưng nói rằng việc chặn thỏa thuận thương mại không phải là phản ứng đúng đắn.
Ngày 25/8, ông Macron cho biết các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Italy, Anh và Canada có thể đang hoàn tất một thỏa thuận trong hội nghị G7 để giúp đỡ cho các nước bị ảnh hưởng bởi hỏa hoạn, trong đó có Brazil.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi điện cho ông Bolsonaro, đề nghị giúp đỡ nhưng các quan chức Brazil sau đó nói rằng họ không làm việc với Mỹ để dập tắt cháy rừng.
Phản ứng của công chúng?
Người Brazil tại hàng chục thành phố đã xuống đường phản đối chính phủ không hành động. Hàng loạt con phố lớn tại Brasilia và Sao Paulo đã bị phong tỏa. Người biểu tình còn kéo đến bên ngoài đại sứ quán Brazil ở Paris và London.
Trên mạng xã hội, #PrayForAmazonas và những hashtag tương tự trở thành xu hướng trên Twitter. Những người dùng ủng hộ ông Bolsonaro đã đăng bài kèm theo hashtag “TheAmazonWithoutNGOs” (Amazon không có các tổ chức phi chính phủ) vào các chủ đề xu hướng trên nền tảng này.
Cháy rừng Amazon ảnh hưởng tới biến đổi khí hậu ra sao?
Các nhà khoa học lo ngại rằng việc Amazon tiếp tục bị phá hủy sẽ có thể bị đẩy đến điểm bùng phát, sau đó, khu vực này đi vào chu kỳ rừng chết tự duy trì khi chuyển từ rừng nhiệt đới thành thảo nguyên.
Nhà khí hậu người Brazil Carlos Nobre tin rằng 15-17% toàn bộ rừng Amazon đã bị phá hủy. Lúc đầu, các nhà nghiên cứu nghĩ rằng điểm bùng phát sẽ là sự phá hủy 40%. Nhưng con số này đã thay đổi khi sự nóng lên toàn cầu tại Amazon tăng lên, số vụ cháy rừng cũng gia tăng. Nobre cho biết điểm bùng phát hiện tại có nhiều khả năng nằm trong khoảng 20-25%.
Nếu điểm bùng phát được kích hoạt, khoảng thời gian trong trạng thái rừng chết sẽ từ 30-50 năm. Trong thời gian đó, 200 tỷ tấn carbon dioxide được thải vào khí quyền khiến nhiệt độ thế giới tăng lên. Mức tăng sẽ vượt ngưỡng 1,5-2C. Mốc nhiệt này vốn là mục tiêu để tránh những tác động tàn phá nhất của biến đổi khí hậu.