Cái chết của Hứa Minh, một đồng minh của Bạc Hy Lai đã được nhiều tờ báo đưa tin, trong đó có tạp chí tài chính Caixin và tờ Wen Wei Po tại Hong Kong. Tuy nhiên, các hãng thông tấn của Trung Quốc lại không nói gì về cái chết của ông này.
Caixin đưa tin Hứa chết vì một cơn đau tim tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc và vào ngày chủ nhật (6/12), tro cốt của ông được đưa về thành phố Đại Liên, nơi ông khởi nghiệp. Theo Wen Wei Po và Caixin, ông sẽ được thả vào tháng 9 năm sau.
Là một triệu phú khi chưa tới 30 tuổi và trở thành tỷ phú một thời gian ngắn sau đó, người chống lưng nổi bật nhất của Hứa là thị trưởng Đại Liên khi ấy, Bạc Hy Lai. Vào những năm 1990, Bạc Hy Lai đã trao cho Hứa những hợp đồng béo bở để làm đẹp cho thành phố này. Tập đoàn Shide của Hứa đã mở rộng sang kinh doanh vật liệu xây dựng và bất động sản. Vào năm 1999, tập đoàn này mua lại đội bóng vô địch của Đại Liên từ tay một doanh nhân cũng liên kết với giới chính khách và có thế lực khác là Wang Jianlin - chủ tịch tập đoàn Dalian Wanda.
Tài sản của Hứa đã tăng lên khi Bạc Hy Lai leo cao trong nấc thang quyền lực. Ông trở thành người giàu thứ 8 của Trung Quốc vào năm 2005, theo tạp chí Forbes. Hứa tập trung nhiều khoản đầu tư vào ngành công nghiệp bảo hiểm đang lên ở nước này.
Hứa Minh, một đồng minh của Bạc Hy Lai bị chết trong tù. Ảnh: Reuters |
Sự sụp đổ của Bạc Hy Lai vào tháng 3/2012 kéo theo việc Hứa bị bắt giam mà không một lời giải thích từ các nhà chức trách. Khi Bạc Hy Lai bị truy tố vào năm 2013, các công tố viên cáo buộc ông nhận hàng triệu đô la từ Hứa, trong đó có 1 biệt thự tại Riviera của Pháp. Hứa cũng bị cáo buộc tri trả cho những chuyến đi xa hoa của con trai Bạc Hy Lai, trong đó có một chuyến đi đến châu Phi.
Tuy nhiên, Hứa vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với nhiều lãnh đạo nổi tiếng, trong đó có các đối thủ của Bạc Hy Lai. Tại Bắc Kinh, Hứa đã chia sẻ một tầng văn phòng với vợ của cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo và là người cùng đầu tư vào một số thương vụ cùng với các thành viên gia đình ông Ôn. Một số cộng sự thân cận còn cho biết Hứa từng hẹn hò với con gái của Ôn Gia Bảo, Wen Ruchun.
"Ông ấy là một thiên tài quan hệ công chúng", Larry Cheng, một trong những đối tác kinh doanh lâu dài của Hứa nói với New York Times vào năm 2013. "Ông ấy đã giúp mọi người trong ban lãnh đạo. Ông ấy biết phải gần gũi ai và làm điều đó như thế nào".
Sự sụp đổ của Hứa Minh cho thấy vị trí mong manh của nhiều thương nhân tham vọng ở Trung Quốc. Để trở nên thành công, họ biến mình trở thành nhân vật cần thiết đối với quan chức đảng và gia đình họ. Thường thì những mối quan hệ này liên quan tới tham nhũng và một khi những quan chức này gặp rắc rối, các đối tác thương nhân của họ cũng sẽ bị lôi xuống bùn.
Không rõ liệu thủ tục khám nghiệm tử thi đã được thực hiện hay chưa nhưng chỉ 2 ngày sau cái chết của Hứa Minh, tro cốt của ông đã được đưa tới Đại Liên. Điều này gợi nhớ lại cái chết bí ẩn và sự hỏa táng vội vàng của một đối tác người Anh của Bạc Hy Lai - Neil Heywood. Ông này chết vào tháng 11/2011 kéo theo một chuỗi các sự kiện dẫn tới sự sụp đổ của Bạc Hy Lai. Vợ Bạc, Cốc Khai Lai đã bị kết tội giết Heywood và cũng bị xử tù chung thân như chồng.
Bảo Linh (theo New York Times)