Mới đây, tờ Trung Quốc kỷ kiểm giám sát, cơ quan ngôn luận của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc đã đăng bài nhằm chỉ ra các thủ đoạn của "những kẻ chuyên săn hổ lớn".
Bài báo này đã tổng kết lại 5 thủ đoạn mà các "thợ săn" này dùng để đưa "con mồi" vào tròng.
Đầu tiên là chiêu thức trực tiếp nhất, "dùng tiền". Thủ đoạn này thường được các kẻ săn mồi dùng để "tấn công" những quan chức tham lam và chưa có ý thức phòng ngừa.
Những chiêu thức này thường được sử dụng trong các dịp lễ tết, khi nhà những quan chức này có cưới hỏi hay ma chay. Vào những thời điểm này, những kẻ đi săn thường dùng tiền để đổi lấy tình thân. Có những kẻ mang tiền đến, trực tiếp mặc cả; tuy nhiên có những kẻ mang tiền để đấy và bỏ đi? Có những kẻ tấn công mãnh liệt, nhưng nhiều người lại dùng chiêu "mưa dầm thấm lâu", để cho những quan chức này mất cảnh giác rồi mới tấn công...
Chiêu thức thứ hai là tấn công "theo thị hiếu". Điều này có nghĩa là, nếu ông này thích chơi tennis, sẽ có một đội ngũ chuyên nghiệp được hình thành để chơi cùng ông; nếu ông đi tập dưỡng sinh, thì bên cạnh sẽ có một đội ngũ đi tập cùng.
Đây cũng chính là cách thức khiến nguyên Phó Bí thư thành ủy Bắc Kinh Lã Tích Văn ngã ngựa. Sau khi bị bắt, Lã chua chát nói rằng, "thực ra, đội ngũ này được hình thành để bao vây quyền lực của tôi".
Chủ nhiệm Văn phòng Giám sát đảng thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật tỉnh ủy Sơn Đông, ông Trương Hiểu Phong nhận định, phương châm của những kẻ săn mồi là "thích gì chiều đấy" và "chỉ cần thành tâm và có kiên nhẫn, con mồi ắt sẽ sập bẫy".
Tiếp theo là "ván bài tình cảm" với việc chuyên gia đánh vào những chỗ "mềm yếu nhất" trong tim các quan tham này.
Vì như, con quan lớn cần đi học, những kẻ này sẽ chạy trường giúp, người thân cần việc thì tìm việc giúp; đưa cha mẹ quan chức đi chơi, đi viện; thậm chí còn ra mộ người thân quan lớn vào dịp tết Thanh Minh quỳ lạy, khóc lóc. Hay đơn giản như biếu tặng đặc sản cho bạn bè ở các Bộ, Ủy ban...
Phó chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu thuộc Đại học Phúc Kiến nhận định, tấn công vào tình cảm là cách làm thông minh của các “thợ săn quan”. Với việc "mở đường" bằng tình cảm, tâm lý nghi ngại, phòng ngừa của các "ông lớn" đã bị đánh tan và chính thức sập bẫy.
Thứ tư là việc mượn oai cuả các quan lớn hơn để đạt được mục đích từ những quan nhỏ hơn. Đây là cách làm có từ lâu và được đưa vào phim tài liệu có tên "Mãi mãi trên đường" (bộ phim nói về đề tài chống tham nhũng) với vụ việc của Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc Chu Bản Thuận.
Bộ phim tiết lô về việc nhiều ông chủ đã bỏ sức thiết kế những bữa tiệc hoành tráng và mời bằng được Chu và những quan chức chính quyền có liên quan đến dự án, hạng mục của họ tham dự. Chu không từ chối và biết rõ mục đích của đối phương. Chu cho biết, "tôi chỉ cần đến đã là giúp họ, vì các quan chức khác sẽ biết, ai là người chống lưng, và mọi việc như vậy đều trót lọt".
Chiêu thức cuôí cùng, mạnh mẽ nhất, được sử dụng khi đối phương quá khôn ngoan, không mắc lừa cả bốn chiêu trò dụ dỗ trên, đó chính là "đe dọa".
Những kẻ này sẽ sử dụng mọi thủ đoạn để thu thập các thông tin về việc vi phạm kỷ luật của những quan chức này. Nếu dụ dỗ không được, "tối hậu thư sẽ được đưa ra, nếu không giúp sẽ ra tay". Các đối tượng này sẽ gửi thư tố cáo nhằm bôi nhọ danh dự của đối phương. Và để được yên thân, nhiều quan chức đã phạm tội một cách thụ động. Đối với những kẻ săn quan chức, đe dọa là kế hạ hạ sách, bất đắc dĩ; nhưng lại là đòn đánh cuối cùng hữu hiệu. Mục đích đe dọa là uy hiếp quan chức để buộc họ phạm tội.
Sau khi lên nắm quyền vào năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khởi xướng chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi". Đây là chiến dịch nhằm xử lý quan chức tham nhũng, dù chức danh là cao hay thấp. Theo ông Tập, tham nhũng là yếu tố ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của đảng Cộng sản.
Nghiêm Thu (Trung Quốc kỷ kiểm giám sát báo)