Trước phản ứng tiêu cực của xã hội, gần đây nhất là bài viết “Việt Nam, nhà giàu và những đứa con chưa ngoan” của một du học sinh Nhật nhìn nhận thẳng thắn về những cái không hay của người Việt Nam, làm sút giảm niềm tự hào dân tộc, Giáo sư Dương Trung Quốc - Uỷ viên hội đồng Di sản Quốc gia đã có buổi mạn đàm với phóng viên chia sẻ cái nhìn về việc đánh thức di sản, dám nhìn thẳng vào thực tiễn, nguyên nhân cốt cát, khơi gợi trách nhiệm của mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi doanh nghiệp để giữ vững niềm tự hào dân tộc.
Nuỗi dưỡng niềm tự hào dân tộc
1. Ông có thể phân tích và định nghĩa về niềm tự hào dân tộc của một quốc gia?
Tôi nghĩ Quốc gia nào cũng có tinh thần dân tộc và niềm tự hào của họ. Tự hào đó xuất phát từ hiện trạng có thể ở mỗi quốc gia, ở một vị thế khác nhau của nước giàu hay nước nghèo, nước tiếp cận với tiến bộ trước và sau; do đó khi đã nói đến “Tinh thần dân tộc”, cũng sẽ nói đến mối quan hệ trong các tương quan với các dân tộc khác, trên các quốc gia khác.
Giáo sư Dương Trung Quốc - Uỷ viên hội đồng Di sản Quốc gia
Để có một niềm tự hào dân tộc chân chính, mình phải tôn trọng người khác, hết sức tránh so sánh mình hơn họ hay là mình thua họ. Mỗi quốc gia có một sắc thái riêng được quy định bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có cái nhìn lịch sử, niềm tự hào dân tộc, ý thức cộng đồng, ý thức ở đây bao gồm cái nhìn từ hai phía trách nhiệm và niềm tự hào có cả, trách nhiệm anh muốn tự hào thì anh phải đóng góp gì cho niềm tự hào ấy.
Là người dân của một nước Việt ngàn năm văn hiến thì đừng bỏ quên niềm tự hào dân tộc thiêng liêng ấy.
2. Cơ sở để nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc phải chăng chính là di sản văn hóa dồi dào của Việt Nam.
Dân tộc nào cũng phải gắn bó văn hoá, vốn là di sản của nhiều thế hệ để lại, trong cách ứng xử trước hết với thiên nhiên, ví dụ như mình là xứ nhiệt đới, mình không mặc theo người ôn đới, người bắc cực đựơc. Nhưng cái thứ 2 chính là ứng xử con người với con người trong các cộng đồng khác nhau, cộng đồng gia đình, cộng đồng xã hội, cộng đồng quốc gia, cộng đồng địa phương, vì thế nền văn hoá đương nhiên hết sức quan trọng.
Văn hoá cũng có những yêu cầu và khả năng tiếp nhận hội nhập những nền văn minh, ứng xử với thiên nhiên, ứng xử với con người đồng thời có một năng lực ứng xử với nền văn hoá khác. Chính vấn đề đặt ra trong xã hội này là cái ứng xử văn hoá khác như thế nào? Anh có thể bị đồng hoá mù quáng, hoặc có thể trở nên thực dụng khước từ với tiến bộ. Hai cái thái độ cực đoan ấy nó đều không có lợi, nhưng bài toán khó nhất chính là làm hài hoà các yếu tố mà vẫn giữ được bản sắc riêng và hội nhập, cho nên hoàn toàn chính xác là niềm tự hào dân tộc nên dựa trên nền văn hoá. Và văn hóa này, theo tôi, phải hiểu theo nghĩa rất rộng: vừa là di sản, vừa là công cụ để ta tồn tại phát triển, đồng thời cũng là định hướng để ta vươn tới phù hợp sự phát triển thế giới hiện đại.
3. Ông có nghĩ hiện giờ niềm tự hào dân tộc của chúng ta đang sụt giảm và mai một do những giá trị di sản lâu nay bị ngủ quên, không được đánh thức? Với những phản ứng tiêu cực của xã hội, gần đây nhất bài viết “ Việt Nam, nhà giàu và những đứa con chưa ngoan” của một du học sinh Nhật nhìn nhận về những cái không hay của người Việt Nam, làm sút giảm niềm tự hào dân tộc, Ông nghĩ gì về điều này?
Câu chuyện mà chúng ta có thể nói là bị sốc bởi một số các thông tin gần đây, không chỉ là cái thư của anh bạn Nhật Bản này đâu - ngay anh bạn Nhật Bản có thực là anh bạn Nhật Bản không? Điều quan trọng là nó nêu hiện trạng có thực, như một thời ở trong Nam có một người nhân danh là người nước ngoài viết mượn thủ pháp đánh thức người. Ở đây tôi không bàn tới cái Nhật Bản của ai cả mà tôi muốn bàn tới là các hiện tượng xã hội: ở nhiều quốc gia có sự e dè đối với người Việt Nam về một số tính cách của nó, mà gần đây nhất là một cô tiếp viên hàng không, một lớp người được hưởng rất nhiều cái thuận lợi chứ không phải thuần tuý nghèo khó túng làm càn túng làm bậy. Cách làm giàu bất chính quên mất cả cái danh dự quốc gia như vụ việc này chính là hiện tượng đáng suy nghĩ. Đây có cả 2 phía: thứ nhất là con người đa dạng, nhưng quan trọng nhất là Xã hội con người.
Tôi nghĩ chúng ta, từ những cách thể hiện mà bức thư các bạn nói của Nhật Bản chỉ đánh thức chúng ta dám nhìn thẳng vào cái thực tiễn, nguyên nhân cốt cát của nó, trách nhiệm của mỗi con người, gia đình, trách nhiệm cộng đồng, tổ chức xã hội, trách nhiệm của nhà nước. Ví dụ như anh muốn đưa cơ chế một chức vụ, một cương vị xã hội anh phải có một bằng tiến sỹ, việc muốn vươn lên thăng tiến trong đời sống là nhu cầu chính đáng, khi anh đưa thiết chế bằng mọi giá, bằng tiến sỹ giả, gian lận thi cử, phong bì phong bao, mua quyền bán chức là như vậy. Cũng trong môi trường như này tôi nói một doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng nhân công họ không theo cách làm của ta; họ theo cách làm của họ - với bề dày kinh nghiệm xứ sở họ, chắc họ từng đi qua thời kỳ như chúng ta. Họ rất thực tế, họ không quá coi trọng bằng cấp, mà thông qua những cuộc phỏng vấn, thông qua những cách thực nghiệm, họ tìm ra những người họ đang cần. Đây rõ ràng là chuyện của môi trường đằng sau - chính là văn hoá chính trị, văn hoá về mặt kinh doanh.
Tôi cho rằng những phân tích như thế này có thể gây xúc động nhưng hết sức bình tĩnh, không nên nhìn cái gì cũng xấu cả. Chúng ta nên tìm những cái tốt để nhân lên, với cái xấu thì học thái độ phán xét xây dựng, làm cho mỗi người trong chúng ta có trách nhiệm hơn từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Cá nhân tôi chủ quan cho rằng bức thư viết cho ai đó cũng nằm trong một quá trình đó thôi, họ muốn đánh thức một hiện tượng bằng một cách làm.
Trách nhiệm doanh nghiệp với di sản dân tộc
4. Phải chăng cũng là thời điểm và cơ hội vàng để củng cố và phát triển di sản văn hóa Việt Nam và niềm tự hào dân tộc để có thể tiếp tục vững tiến?
Theo tôi, việc này là việc một quốc gia nên làm và luôn phải làm, và tất cả thành phần trong quốc gia đó từ nhà nước, các tổ chức xã hội đoàn thể, các doanh nghiệp, đến mỗi cá nhân cần phải chung tay vào.
Giữa thời điểm nóng như hiện nay khi mà các niềm tự hào dân tộc đang sụt giảm và mai một do những giá trị di sản lâu nay bị ngủ quên thì đây cũng là một thời điểm tốt để người dân Việt Nam đi tìm và nhìn lại những giá trị thật chúng ta đã làm được, những giá trị văn hóa đã tồn tại vượt thời gian của dân tộc - những giá trị như vậy mới có thể đại diện Việt Nam.
5. Thiết nghĩ, việc nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc không chỉ là việc của các thế hệ đi trước, của những nhà bảo tồn giá trị di sản quốc gia mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp?
Tôi cho là nói trách nhiệm là việc rất xa xôi, vấn đề ở chỗ mọi tư duy đều đi quy về lợi ích, lợi ích là động lực mạnh nhất, vấn đề là lợi ích nào? Giải quyết được mối quan hệ hài hoà thì sẽ phát triển bền vững, nếu chỉ lợi ích riêng cho doanh nghiệp mình thôi thì đấy chỉ là một phần, phải nghĩ tới lợi ích của quốc gia, của cộng đồng và trên hết là giữ trọn vẹn hồn Việt, tinh hoa của đất nước trong mỗi thương hiệu thì mới bảo tồn được giá trị di sản văn hóa, nâng tầm thương hiệu quốc gia.
Một vấn đề nữa chính là trách nhiệm của doanh nghiệp Việt Nam, sẽ làm gì để củng cố nền văn hóa di sản Việt trong cộng động của họ, hướng lợi ích tập trung vào đâu, trong lợi ích riêng chính đáng của mỗi doanh nghiệp. Ở đây là sự chia sẻ cộng đồng trách nhiệm chung về hai chữ Việt Nam trong thương hiệu của mình, đặc biệt là những thương hiệu Việt Nam lâu đời, mà bản thân họ cũng đã là một phần hình ảnh của đất nước.
Cảm ơn Ông về cuộc trò chuyện!
Theo Vietnamnet