Bệnh bạch tạng là một tình trạng di truyền hiếm gặp xảy ra ở cả người và động vật, làm gián đoạn khả năng sản xuất sắc tố melanin trên da. Việc thiếu melanin thông thường có thể làm cho những sinh vật mắc phải dễ bị ảnh hưởng bởi ánh sáng mặt trời trực tiếp và có thể gây ra các vấn đề về thị lực nhưng dường như nó không gây bất lợi lớn trong môi trường sống tự nhiên, ví dụ như gấu trúc.
Gấu trúc bị bạch tạch là cực hiếm, chúng được các nhà khoa học phát hiện lần đầu ở Trung Quốc trong một khu rừng tre xanh tốt. Đặc biệt, con gấu trúc bạch tạng không được nhìn thấy trực tiếp bằng mắt người, mà được camera hồng ngoại bắt gặp khi di chuyển vào phạm vi ghi hình.
Con gấu trúc được xác định chỉ khoảng 1 – 2 tuổi. Khu vực con gấu được ghi nhận ở độ cao 2.000 mét trên mực nước biển. Mặc dù giới tính của con gấu trúc bạch tạng hiện chưa được xác định chính xác nhưng từ hình ảnh, con vật mang đầy đủ các đặc điểm của hội chứng bạch tạng như móng vuốt và màu lông trắng muốt, cặp mắt màu đỏ.
Mới đây, hình ảnh của con gấu trúc bạch tạng này lại vừa được nhìn thấy tại một địa phương ở Trung Quốc với ngoại hình khá khác so với lần đầu được phát hiện. Các nhà chức trách tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc vừa công bố, một lần nữa địa phương này ghi được hình ảnh chú gấu trúc bạch tạng duy nhất trên thế giới khi nó đi ngang qua cánh đồng tuyết. Con gấu trúc mất khoảng 10 phút để đi tới chân núi, sau đó biến mất.
Trong lần xuất hiện hiếm hoi này, màu lông tại bốn chân của nó đã ngả sang vàng. Với việc gấu trúc bạch tạng xuất hiện một mình trong cả hai lần phát hiện, các nhà nghiên cứu đã tin rằng hiện nó không còn sống chung với mẹ và đã rời tổ.
Tan Yingchun - một nhân viên trong dự án bảo tồn, nghiên cứu gấu trúc bạch tạng cho hay: "Con gấu trúc đã lớn hơn nhiều và có vóc dáng cứng cáp hơn. Hình ảnh ghi lại cho thấy nó khoảng 3 tuổi và phần lông trắng tại chân của nó đã chuyển sang màu vàng".
Ngay sau khi hình ảnh được công bố, rất nhiều người tỏ ra vui mừng khi thấy con gấu trúc đặc biệt này lớn lên lành lạnh và an toàn, thậm chí còn..khá mũm mĩm trong môi trường sống tự nhiên. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn không ngừng tìm tòi và nghiên cứu sâu hơn về vấn đề đột biến gen ở gấu trúc để nâng cao hiểu biết của loài người về giống gấu cổ xưa này.