Tin mới

Giá thép tăng phi mã khiến nhà thầu lao đao, Chính phủ giao Bộ Công thương tìm giải pháp

Thứ ba, 11/05/2021, 14:16 (GMT+7)

Trước nghi ngại cho rằng có sự bắt tay của các công ty thép nhằm đẩy giá mặt hàng này một cách phi mã, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã giao Bộ Công thương tìm giải pháp xử lý.

Những ngày qua, tất cả thương hiệu thép trong nước đều đồng loạt tăng giá từ 30-40% so với quý cuối năm trước. Mức tăng giá này được nhận định là rất cao, gây khó khăn cho nhiều ngành, trong đó có lĩnh vực xây dựng.

Theo lý giải từ đại diện một doanh nghiệp sản xuất thép, nguyên nhân chính khiến giá thép tăng dữ dội là thiếu hụt nguồn cung do căng thẳng thương chiến giữa Australia và Trung Quốc. Ảnh minh hoạ
Theo lý giải từ đại diện một doanh nghiệp sản xuất thép, nguyên nhân chính khiến giá thép tăng dữ dội là thiếu hụt nguồn cung do căng thẳng thương chiến giữa Australia và Trung Quốc. Ảnh minh hoạ

Theo đó, giá thép cuộn Hòa Phát CB240 dao động 17,2-17,4 triệu đồng/tấn tùy từng vùng, còn thép cây D10 CB300 ở mức 17,05-17,31 triệu/tấn.

2 sản phẩm này của thép Việt Đức cũng được chào bán ở miền Trung với giá lần lượt là 17,61 triệu/tấn và 17,46 triệu/tấn.

Trong khi đó, sản phẩm thép cuộn CB240 của Công ty thép Thái Nguyên cũng có giá là 17,46 triệu đồng/tấn, với thép D10 CB300 là 17,2 triệu/tấn.

Trung Quốc cũng đang cắt giảm lượng lớn sản lượng thép nhằm bảo vệ môi trường. Sản lượng thép này bao gồm cả thép thành phẩm lẫn phôi thép, thép cán nóng... Ảnh minh hoạ
Trung Quốc cũng đang cắt giảm lượng lớn sản lượng thép nhằm bảo vệ môi trường. Sản lượng thép này bao gồm cả thép thành phẩm lẫn phôi thép, thép cán nóng... Ảnh minh hoạ

Trong chưa đầy 1 tháng, giá thép của các hãng này đã tăng hơn 1 triệu đồng/tấn. Ước tính, giá thép hiện nay tăng gần gấp rưỡi so với quý III/2020.

Trước sự tăng giá đột biến này, có nghi ngại cho rằng có sự bắt tay của các công ty thép nhằm đẩy giá mặt hàng này một cách phi mã, Bộ Công Thương đưa ra lý giải rằng: Giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên liệu thế giới.

Trong thời gian gần đây, giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu, cùng với dịch Covid-19, thời gian giao hàng kéo dài cũng là những lý do khiến giá thép tăng mạnh.

Giá thép tăng phi mã khiến ngành xây dựng gặp khó. Ảnh minh hoạ
Giá thép tăng phi mã khiến ngành xây dựng gặp khó. Ảnh minh hoạ

Trước tình hình này, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính có Chính sách điều tiết thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá.

Về giải pháp dài hạn ổn định cung - cầu đối với thép xây dựng, Bộ Công Thương cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại để giúp cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển và đáp ứng đủ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu.

Đơn vị cũng sẽ chủ động tiến hành triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế.

Mới đây, tại buổi họp về công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng nhìn nhận việc giá thép tăng phi mã khiến nhiều doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng gặp khó khăn.

Chính phủ giao Bộ Công Thương nghiên cứu, có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước; nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ chủ động nghiên cứu, hướng dẫn thay đổi công nghệ xây dựng nhằm giảm tải lượng thép tiêu thụ trong các công trình xây dựng.

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news