Theo tin tức trên Tuổi Trẻ và Thời báo Tài chính Việt Nam đăng tải, Ngày 14/5, tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội thông tin về tình hình diễn biến phức tạp với sự bùng phát với quy mô ngày càng lớn của bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại tất các quận, huyện, thị xã có chăn nuôi lợn trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo báo cáo, từ ổ dịch đầu tiên xuất hiện tại hộ chăn nuôi lợn rừng tại phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên vào ngày 24/2/2019. Đến nay, toàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận dịch xảy ra tại 7.760 hộ chăn nuôi trên địa bàn 24 quận, huyện; với số lượng tiêu huỷ lên đến 120.782 con.
Dịch tả lợn Châu Phi đang ngày càng diễn biến phức tạp. Ảnh: Internet
Đáng chú ý, từ đầu tháng 5/2019 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng phát sinh mạnh và ở các quy mô chăn nuôi lớn hơn. Đến nay, toàn thành phố có 23/7.760 hộ chăn nuôi có số lượng lợn bị tiêu huỷ từ 200 con trở lên, trong đó, hộ có tổng đàn phải tiêu hủy lớn nhất là tại huyện Đông Anh với 629 con.
Từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Tài chính tham mưu đề xuất thành phố chỉ đạo các quận, huyện thị xã việc sử dụng nguồn kinh phí chống dịch mua vật tư, hóa chất, bảo hộ và hỗ trợ hộ chăn nuôi khi có lợn phải tiêu hủy theo quy định.
Đến nay, có phường Ngọc Thụy, quận Long Biên dịch bệnh qua trên 30 ngày không phát sinh; số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy tại ổ dịch cũ này là 44 con. Một số địa phương (cấp xã) dịch qua 30 ngày nhưng đã phát sinh trở lại.
Nói về những khó khăn trong công tác phòng, chống và tiêu hủy lợn bị bệnh, ông Mỹ cho biết, việc tiêu hủy số lượng lớn lợn gặp khó trong bố trí quỹ đất, quản lý hố chôn và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Một số nơi chưa chuẩn bị tốt phương án tiêu hủy nên khi dịch xảy ra gặp nhiều khó khăn trong chọn vị trí, địa điểm tiêu hủy. Việc không tiêu hủy lợn ngay đã làm nảy sinh lây lan bệnh tại khu vực...
Để kiểm soát tiến tới khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, quyết liệt triển khai trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội.
Các quận huyện, thị xã chủ động bố trí điểm tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh; huy động lực lượng tổ chức tiêu hủy triệt để lợn bệnh; hỗ trợ kịp thời kinh phí cho người chăn nuôi. Đồng thời, hỗ trợ người chăn nuôi, các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm thịt lợn và thực hiện các biện pháp an toàn sinh học.
Tiêu độc khử trùng tại các hộ có heo nhiễm dịch tả heo châu Phi. Ảnh: Tiền Phong
Để đối phó với dịch bệnh, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không “quay lưng lại” với thịt lợn, tiếp tục tiêu thụ, sử dụng thịt lợn an toàn để tháo gỡ khó khăn cho các hộ chăn nuôi, hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Trước đó vào sáng ngày 13/5, phát biểu tại hội nghị trực tuyến phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, nếu không ngăn chặn tốt, dịch sẽ phát triển theo ba hướng: Tái xuất hiện ổ dịch mới ở nơi đã khống chế được; lan rộng sang các vùng chưa bị; phát sinh dịch ở những đàn lợn lớn.
Ông Cường nói, trường hợp kịch bản trên xảy ra sẽ "vô cùng thảm khốc", gây thiệt hại không chỉ về kinh tế mà còn đe doạ một ngành hàng lớn, thậm chí liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).