Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của rìa nam rãnh áp thấp có trục ở khoảng 25-28 độ vĩ bắc nối với vùng áp thấp nóng phía tây có xu hướng mở rộng dần về phía đông, ngày mai (25/7), ở khu vực Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-36 độ, có nơi hơn 36 độ C.
Khu vực vùng núi từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nắng nóng cục bộ với nhiệt cao nhất hơn 35 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày từ 55-65%. Thời gian có nhiệt độ hơn 35 độ C từ 13-16 giờ.
Khu vực Hà Nội ngày mai (25/7) và ngày 26/7, có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C. Riêng khu vực phía Bắc thành phố 34-36 độ C. Thời gian có nhiệt độ cao hơn 35 độ C là từ 12 đến 16h. Ngoài ra, từ khoảng 11h đến 14h, chỉ số tia cực tím tại Hà Nội đạt mức 9, ngưỡng gây hại rất cao cho sức khỏe khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng trong thời gian dài. Đợt nắng nóng này tại Hà Nội có khả năng kéo dài đến hết ngày 28/7.
Các tỉnh Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C.
Cảnh báo, nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 28/7, ở khu vực Thanh Hóa đến Phú Yên kéo dài đến khoảng ngày 29-30/7.
Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Để phòng, chống nắng nóng, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên uống nhiều nước và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng hiệu quả. Cần ăn chế độ ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng và có sự thay đổi, luân phiên trong việc chế biến các món ăn.