Tin mới

Hai vợ chồng giành giật con 18 tháng tuổi giữa phố

Thứ sáu, 31/10/2014, 15:11 (GMT+7)

Đang đèo con trên xe máy, chị L.T.T.V (tạm trú ở P. Bình Trị Đông, Q. Bình Tân, TP. HCM) bị ngã vì chồng cũ và một số người áp sát xe, đạp đổ. Chị gượng dậy xem con có đau ở đâu hay không thì chồng cũ cùng bố chồng xô tới, giật đứa con 18 tháng tuổi trên tay chị rồi rồ ga bỏ đi.

Đang đèo con trên xe máy, chị L.T.T.V (tạm trú ở P. Bình Trị Đông, Q. Bình Tân, TP. HCM) bị ngã vì chồng cũ và một số người áp sát xe, đạp đổ. Chị gượng dậy xem con có đau ở đâu hay không thì chồng cũ cùng bố chồng xô tới, giật đứa con 18 tháng tuổi trên tay chị rồi rồ ga bỏ đi.

 

Giành giật đứa trẻ 18 tháng tuổi giữa đường

Chuyện xảy ra vào 10 giờ sáng ngày 12/10 vừa qua, chị L.T.T.V đang trở con trên xe máy thì bất ngờ bị nhiều người đi xe máy áp sát vào lề đường rồi đạp đổ xe khiến chị V ngã ra đường. Lúc này chị nhận ra trong số những người xô chị ngã có chồng cũ của chị - anh N.T.K. Biết chuyện chẳng lành sắp xảy ra, chị nhanh chóng dựng xe xem con có đau ở đâu hay không thì anh K và người nhà đã giật đứa con lên xe, rồ ga chạy. Chị V vừa la vừa đuổi theo, ghì chiếc xe của bố chồng đang chở bé M – con của chị đi thì bị chiếc xe kéo lê một đoạn dài. Nhờ người đi đường chặn, xe mới dừng lại. Lúc này chị mới chịu buông tay.

Nén nước mắt, chị V kể chuyện hôn nhân cuộc đời mình. Chị cho biết chị và anh K kết hôn năm 2011. Ban đầu, cuộc sống vợ chồng khá hạnh phúc nhưng sau khi đứa con đầu lòng ra đời, anh K bỗng nhiên thay đổi tính nết, anh thường xuyên đi chơi về muộn, bỏ vợ con ở nhà dù vợ đang trong thời gian ở cữ.

Trong khi đó, anh K. bảo vợ nóng nảy, không nhường nhịn chồng và gia đình chồng. Anh không bằng lòng với vợ chuyện giận nhau với chồng mà bỏ ra ngoài thuê nhà trọ sống 7 tháng trời vì với anh, một đi không trở lại mà đã đi là chứng tỏ vợ không còn yêu thương gì chồng, con, gia đình. Tranh cãi suốt thời gian dài, hai bên nội ngoại nhiều lần hòa giải nhưng mâu thuẫn vẫn ngày một gia tăng.

Đỉnh điểm mâu thuẫn là hai vợ chồng gửi đơn ly hôn lên TAND quận Bình Thạnh. Thỏa thuận ban đầu là chị V sẽ nuôi con, hàng tháng anh K trợ cấp. Nhưng sau đó, anh K không đồng ý ly hôn nên tòa tạm ngừng việc xử lý.

Chị V và cháu M.

Chị V kể: “Ngay sau đó, tôi bắt đầu bị áp lực từ phía nhà chồng: ly hôn là phải để con lại và phải ra khỏi nhà tay trắng. Tài sản tôi không cần nhưng con là con của tôi, tôi phải là người trực tiếp nuôi con. Khi bị gia đình chồng gây áp lực, tôi phải bỏ ra ngoài thuê nhà trọ sống. Từ đó mỗi lần tôi tới thăm là một lần khó khăn, khổ sở. Ngày 29/6/2014, tôi đến thì ba mẹ anh nhốt lại đánh. Công an P.13, Q. Bình Thạnh đã ra quyết định vi phạm phạt hành chính đối với mẹ chồng tôi”.

Trong khi đó, anh K lại nói ngược lại cho vợ là người vô lễ, không phải là người con dâu hiếu thảo: “Khi con ở với V bên quận 10 và quận Bình Tân, tôi tới chơi với con cũng bị cô ấy đánh. Ngoài ra V còn tới nhà tôi viện cớ thăm con và nắm đầu đánh mẹ tôi trước sự chứng kiến của hàng xóm. Thử hỏi làm sao tôi lại có thể chấp nhận yêu thương một người vợ như thế".

Tranh nhau kể tội đối phương

Đem chuyện cháu bé M bị bố, ông nội giật khỏi tay mẹ ở giữa đường đến gặp bà Trần Thị Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch UBND P.13, bà Hạnh cho biết bà đã cùng Hội Phụ nữ, cán bộ Tư pháp của phường 13, quận Bình Thạnh đến nhà của anh K để can thiệp, giúp chị V được thăm con. Gần 2 giờ đồng hồ, chị V và gia đình nhà chồng đều thiếu kìm chế khi nói về quyền được nuôi dưỡng con. Cháu bé mới 18 tháng tuổi bị mẹ lật giở khắp người săm soi từng vết trầy xước, muỗi chích. Mỗi lần chị V xuýt xoa thì cha mẹ của anh K và cả anh K lại giật lấy tay chân cháu bé để chứng minh lời V không đúng. Cháu bé cứ ngơ ngác, sợ hãi bấu chặt lấy mẹ.

 

“Chúng tôi tiến hành công tác giảng hòa bằng cách yêu cầu anh K trong ngày 14/10 phải mang cháu bé đi bệnh viện để kiểm tra sức khỏe và báo lại với UBND Phường về kết quả này. Hai bên gia đình cũng đã thỏa thuận trong khi chờ tòa án quyết, tạm thời anh K sẽ nuôi dưỡng con. Chị V có quyền đến thăm con bất cứ lúc nào, trước khi đến phải điện thoại báo trước cho anh K để anh sắp xếp”, bà Hạnh cho biết.

 

Trước cách giải quyết này, chị V vẫn băn khoăn: “Tại sao lại tiếp tục hòa giải, tôi không tin mình sẽ “có đường” về thăm con, tôi sẽ không bị cha mẹ chồng, em chồng đánh đập như đã từng xảy ra? Lẽ nào các cấp chính quyền không thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để chồng giao trả con tôi hay sao? Vì con cần có mẹ hơn lúc này”.

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ phường 13 cho biết, trường hợp gia đình anh K, chị V đang diễn biến căng thẳng. Chính quyền địa phương sẽ sát sao vụ việc để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra. Gia đình anh K và chị V đều phải vì quyền lợi, sức khỏe của đứa bé mà chấp hành đúng luật, đừng nhân danh tình thương và trách nhiệm với bé M mà có những hành động thiếu kiềm chế, hiếu thắng ngay trước mắt cháu bé 18 tháng tuổi như những ngày vừa qua.

Trao đổi với phóng viên về trường hợp gia đình anh K, chị V, luật sư Huỳnh Minh Vũ – Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết con trẻ không phải món hàng để giành qua giật lại. Nói về quyền nuôi con, Điều 92 Luật Hôn nhân và gia đình quy định trong trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được người trực tiếp nuôi con, tòa án quyết định giao con cho 1 bên trực tiếp nuôi căn cứ về quyền lợi mọi mặt của con; về nguyên tắc, con dưới 3 tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác.

Bên cạnh đó, điều 41 luật này cũng quy định khi cha, mẹ đã bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; phá tài sản của con, có lối sống đồi trụy, xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội... thì có thể bị Tòa án không cho trực tiếp nuôi con hoặc bị hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên. Theo đó, trong trường hợp trên, nếu các bên không có thỏa thuận khác và nếu chị B không vi phạm các quy định về hạn chế quyền của cha mẹ đối với con theo quy định ở trên đây, chị sẽ được tòa án giao quyền trực tiếp nuôi dưỡng và chăm sóc con chung.

Về thủ tục tố tụng, trong vụ án ly hôn, nếu bị đơn cố tình vắng mặt, không có lý do chính đáng, tòa án sẽ tiến hành xét xử vắng mặt, sau khi đã tống đạt hợp lệ giấy triệu tập và quyết định đưa vụ án ra xét xử lần thứ hai. Trong vụ kiện này, chị V cứ liên hệ với tòa án yêu cầu đưa vụ án ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật.

Việc giao nhận con bất luận trong trường hợp nào cũng đều phải bảo đảm sự an toàn cho sức khỏe, tinh thần của bé, không được giành giật, không được “đối xử” với con trẻ như một món hàng, đồ vật. Trường hợp sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, nếu một trong các bên không tự động thi hành án, bên kia có quyền nhờ cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành theo đúng quy định.

Theo Như Cương/Người Đưa Tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news