Mặc dù gọi tàu sân bay là "xương sống" cho chiến lược hiện diện quân sự toàn cầu của Mỹ song giới chức Hải quân hàng đầu vẫn nhấn mạnh về nguy cơ thất bại của việc duy trì một hạm đội đủ lớn tại những khu vực trọng yếu.
Tuyên bố trên được đưa ra trong buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ hôm 3/11, theo CNN.
Một báo cáo mới về tương lai của các tàu sân bay Mỹ đặt ra rằng, vấn đề nan giải nhất của Hải quân Mỹ không phải là số lượng tàu chiến hay các máy bay mà là khả năng tác chiến của những sân bay di động này.
Lầu Năm Góc chú trọng vào phát triển một tàu sân bay được trang bị đầy đủ các công nghệ và vũ khí hiện đại nhưng lại không thực sự có tính năng chuyên biệt, nổi bật. Trong khi đó, các đối thủ của Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc, lại đang tập trung phát triển các loại vũ khí công nghệ cao có khả năng đánh chìm tàu sân bay Mỹ. Điều này có thể khiến cho những tàu sân bay đắt tiền của Washington không còn khả dụng trong những năm tới, các chuyên gia hải quân cho biết.
Vấn đề nan giải nhất của Hải quân Mỹ không phải là cố lượng tàu chiến hay các máy bay mà là khả năng tác chiến của những sân bay di động này. Ảnh: CNN. |
Chuyên gia hải quân Jerry Hendrix thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới cho rằng sự nổi lên của các cường quốc mới đã tạo ra mối đe dọa đối với lực lượng hải quân tác chiến xa bờ mà cụ thể là hạm đội tàu sân bay.
"Điều này sẽ tạo ra những hạn chế đối với khả năng tác chiến cũng như làm giảm sút uy tín của Mỹ trên trường quốc tế", ông Hendrix nhận định.
Hạm đội tàu sân bay Mỹ cùng các chiến đấu cơ và tàu chiến đã được coi là nền tảng của sức mạnh Hải quân Mỹ kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Hơn 70 năm qua, Lầu Năm Góc đã mở rộng và nâng cấp hạm đội tàu sân bay và các máy bay hoạt động trên đó. Số tiền mà Lầu Năm Góc đã chi vào dự án này khiến nhiều người không khỏi bị sốc. Chi phí cho mỗi tàu sân bay lên tới con số 12 tỷ USD. Tuy nhiên, bù lại, khoản đầu tư khổng lồ này đã giúp Hải quân Mỹ hiện diện quân sự trên toàn cầu.
Tuy nhiên, báo cáo mới được đưa ra cáo buộc rằng, quyết định sai lầm trong 20 năm qua của Lầu Năm Góc là chỉ ưu tiên phát triển máy bay tấn công hạng nhẹ, tầm ngắn thay vì những vũ khí có khả năng tấn công cũng như phòng thủ tầm xa cùng công nghệ tên lửa chống hạm mới bởi một số quốc gia thiếu thiện cảm có thể gây nguy hiểm cho các tàu Mỹ.
Việc tổn thất 7 tàu sân bay trong Thế chiến II đã khiến lãnh đạo Hải quân Mỹ ưu tiên phát triển các máy bay có thể di chuyển quãng đường dài. Ảnh: CNN. |
"Các tàu sân bay và chiến đấu cơ trên tàu sân bay ngày nay đã bị hạn chế khả năng triển khai sức mạnh tối đa trong phạm vi lớn. Đó là hệ lụy của việc bỏ quên bài học lịch sử trong suốt 25 năm qua", ông Hendrix nói.
Theo báo cáo của Hendrix, việc tổn thất 7 tàu sân bay trong Thế chiến II đã khiến lãnh đạo Hải quân Mỹ ưu tiên phát triển các máy bay có thể di chuyển quãng đường dài để tấn công các mục tiêu trên mặt đất và cho phép tàu sân bay ở cách xa lãnh thổ lãnh thổ kẻ thù trong phạm vi an toàn.
Tuy nhiên, chính điều này đã khiến Hải quân Mỹ không thể hiện diện ở các đại dương khác trên thế giới sau sự sụp đổ của Liên Xô. Bởi vậy, trong hai thập kỷ qua, Hải quân Mỹ chỉ tập trung phát triển các máy bay tấn công hạng nhẹ và tầm ngắn, Hendrix nói.
Các máy bay đa nhiệm hiện đang được sử dụng và có xu hướng phát triển do chi phí bảo dưỡng thấp và có thể được triển khai nhanh chóng từ các tàu sân bay so với các máy bay tầm xa trước đây.
Hiện tại Hải quân Mỹ với các chiến đấu cơ tân tiến vẫn được xem là lớn mạnh nhất thế giới. Ảnh: CNN. |
Hendrix cho rằng, mặc dù hiện tại Hải quân Mỹ với các chiến đấu cơ tân tiến vẫn được xem là lớn mạnh nhất thế giới, song sự thay đổi trong năng lực phối hợp tàu sân bay - chiến đấu cơ và sự nổi lên của các cường quốc mới, cụ thể là Trung Quốc có thể cản trở Hạm đội tàu sân bay Mỹ. Các loại tên lửa mà tàu sân bay Trung Quốc sở hữu có thể khiến Mỹ bị lép về và đẩy các tàu chiến, máy bay của Mỹ ra khỏi phạm vi hoạt động của Trung Quốc. Điều này chắc chắn sẽ gây "tổn thương" không ít đối với một nước Mỹ giữ vai trò thống trị chiến tranh hiện đại suốt nhiều năm qua.
Ngoài Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên cũng đang đầu tư vào việc phát triển các công nghệ chống hạm tương tự nhằm đối phó với những mối đe dọa trên biển.
Tuy nhiên, Hải quân Mỹ vẫn tỏ ra tự tin vào khả năng tác chiến của các tàu sân bay, cho rằng sức mạnh của các tàu sân bay hiện tại là đủ để bảo vệ lợi ích hợp pháp của Mỹ.
"Hải quân Mỹ cam kết đủ khả năng để thực hiện đầy đủ các hoạt động quân sự cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia trong mọi tình huống", phát ngôn viên của Hải quân Mỹ, Trung tá William Marks nói với CNN.
Hải quân Mỹ tự tin rằng sức mạnh của các tàu sân bay hiện tại là đủ để bảo vệ các lợi ích hợp pháp của Mỹ. Ảnh: CNN. |
Để chống lại các mối đe dọa đang nổi lên từ các hệ thống tên lửa chống hạm, Hải quân Mỹ đã trang bị cho các tàu khu trục và tàu tuần dương của mình hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến, hiện đại hóa tàu và máy bay, lắp đặt các bộ cảm biến và tăng cường trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa chỉ huy, phi công và phi hành đoàn.
Tuy nhiên, Hendrix cho rằng khả năng phòng thủ được nâng cấp như thế vẫn là chưa đủ. Hải quân Mỹ cần đánh giá và xem xét lại các loại máy bay mà lực lượng này định mua mới và cân nhắc đầu tư vào các loại máy bay tầm xa.
Một báo cáo khác của Viện Hudson thuộc Trung tâm Sức mạnh trên biển của Mỹ cũng cho rằng Hải quân Mỹ cần tăng cường khả năng chiến đấu của các máy bay, cụ thể là đầu tư vào các loại máy bay chiến đấu tầm xa, để bảo vệ các tàu sân bay, trong bối cảnh các nước đối thủ đang phát triển ngày càng mạnh về công nghệ chống hạm.
Dakota Wood, người từng phục vụ trong Thủy quân lục chiến Mỹ và là một chuyên gia quốc phòng cũng đồng ý với đánh giá của Hendrix rằng Hải quân Mỹ phải điều chỉnh tư duy của mình về tàu sân bay cũng như khả năng chống hạm của các quốc gia đối thủ.
Tuy nhiên, bất cứ lập luận nào cho rằng tàu sân bay không còn khả thi vẫn là quá vội vàng. Chỉ một số ít quốc gia đang sở hữu vũ khí đủ chính xác mới có thể đặt ra mối đe dọa "chết người" cho hạm đội tàu sân bay Mỹ.
"Tôi nghĩ rằng các tàu sân bay vẫn sẽ tồn tại theo mô hình hiện nay trong vài năm nữa", Wood nói.
Lê Huyền (CNN)