Cư dân mạng hiện đang phát cuồng với một Page Facebook có tên “Việt Nam quốc sử diễn ca”. Tại đây, những người yêu thích môn lịch sử có thể tiếp cận những nhân vật, sự kiện lịch sử bằng những bài thơ 5 chữ vô cùng dễ nhớ.
Được biết, page “Việt Nam quốc sử diễn ca” (VNQSDC) chỉ mới được mở ra cách đây không lâu, nhưng đã thu hút một lượng khá lớn độc giả. Hiện trang facebook nhận được hàng nghìn like và theo dõi hàng ngày.
Hàng ngày, chủ nhân của Page đều cập nhật các bài thơ 5 chữ, khái quát phần nào về cuộc đời của các nhân vật lịch sử như Hai Bà Trưng, Trần Quốc Toản, Nguyễn Thái Học, Đào Duy Anh…
Giao diện page "Việt Nam Quốc Sử Diễn Ca"
Không chỉ đề cập tới các nhân vật, sự kiện lịch sử từ các thời trung đại, cận đại, VNQSDC còn đề cập tới nhiều nhân vật hiện đại như doanh nhân, nhà khoa học, nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên nổi bật, có vai trò đặc biệt trong thời đại hiện nay. VNQSDC phản ánh sâu sắc muôn mặt đời sống xã hội thông qua những vần thơ hài hước, sinh động.
Theo chủ nhân của VNQSDC, tất cả các thông tin lịch sử đều chỉ mang tính tham khảo. Tuy nhiên trong những tài liệu tham khảo sẽ có những nguồn được “ưa chuộng và phổ biến” (không hẳn là chính xác) hơn những nguồn dẫn khác. Chủ nhân VNQSDC đã dùng bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Lê Văn Hưu, bộ sách giáo khoa từ lớp 6 đến lớp 12 của NXB Giáo dục hiện hành, sách của các sử gia danh tiếng như Hoàng Đạo Thúy, Trần Trọng Kim, Nguyễn Hiến Lê…
Dưới đây là một số bài thơ 5 chữ đang được cư dân mạng ưa chuộng của Page thơ độc đáo này
TRẦN QUỐC TOẢN I
Chúng ta ai cũng biết
Trần Quốc Toản anh hùng
Mười sáu tuổi ra trận
Đánh tan tác Nguyên Mông.
Mông Cổ diệt Nam Tống
Thế kỷ thứ mười ba
Rồi kéo quân ồ ạt
Đi xâm lược nước ta.
Vua Trần bàn chiến sự
Hội tướng ở Bình Than
Hoài Văn Hầu quá trẻ
Không được phép luận bàn.
Trong triều Trần lúc ấy
Có những kẻ chủ hòa
Họ bàn kế giúp đỡ
Để giặc đánh Chăm-pa.
Nghe cãi cọ sôi nổi
Giữa phe chiến, phe hòa
Hoài Văn Hầu nổi giận
Chạy đến hội thét la.
“Ai nói ngây thơ thế
Không hiểu kế nó ư?
Chúng mượn đường đánh Quắc
Rồi diệt cả nước Ngu”.
Vua Trần trước khi đuổi
Trần Quốc Toản khỏi thuyền
Ngài ban cho đứa cháu
Một quả cam động viên.
Quốc Toản lòng giận quá
Bóp nát quả cam rồi
Chàng tụ họp hương dũng
Luyện võ để đợi thời.
Phá Cường Địch hung hãn
Báo Hoàng Ân bao la
Đoàn quân ấy xung trận
Góp khúc khải hoàn ca.
(Trích Page Facebook)
LỊCH SỬ VĂN THƠ QUỐC NGỮ
Cuối thế kỷ mười chín
Chữ quốc ngữ lên ngôi
Nhưng nó được sáng tạo
Ba trăm năm trước rồi.
Nền văn nghệ Quốc Ngữ
Đầu thế kỷ hai mươi
Có mấy chuyện thú vị
Chia sẻ cùng mọi người.
Mở màn kịch quốc ngữ
Là ông Vũ Đình Long
Viết vở CHÉN THUỐC ĐỘC
Một chuyện tình bão giông.
Đầu tiên về tiểu thuyết
Là tác phẩm TỐ TÂM
Của cụ Hoàng Ngọc Phách
Cuộc tình buồn trăm năm.
Về phong trào Thơ mới
Đi đầu là Phan Khôi
TÌNH GIÀ, đánh dấu mốc
Thời Thơ mới lên ngôi.
Còn cụ Phan Kế Bính
Viết “Đêm trăng Hồ Tây”
Đặt nền cho tùy bút
Khởi xướng từ bài này.
Nhưng công lao vĩ đại
Là Tự Lực Văn Đoàn
Đã đưa chữ quốc ngữ
Chiếm ngôi vị hoàn toàn.
Còn âm nhạc có lẽ
Chính là bài Kiếp Hoa
Nguyễn Văn Tuyên nhạc sỹ
Dùng ký hiệu “sòn - la”.
Vì trước nền cổ nhạc
Chỉ chơi với ngũ cung
Hồ - Xừ - Xang - Xê - Cống
Âm vực không đủ dùng.
(Trích Page Facebook)
TUỆ TĨNH - ĐẠI Y THIỀN SƯ
Thiền sư Nguyễn Bá Tĩnh
Theo truyền thuyết địa phương
Cha mẹ ông mất sớm
Quê Cẩm Giàng, Hải Dương.
Nhà chùa nuôi ăn học
Đỗ đạt thời cuối Trần,
Tuệ Tĩnh chán thế sự
Nên không ra làm quan.
Ông say mê nghiên cứu
Tìm thảo dược cứu dân
Viết “Nam dược thần hiệu”
Một tấm gương chuyên cần.
Mở lớp dạy y dược
Cả đời giữ thanh tâm
Công lao như trời biển
Cho ngành y Việt Nam.
Nhà Minh bên Trung Quốc
Biết tài năng của ông
Bắt ta phải công nạp
Để phục vụ hoàng cung.
Vua nhà Minh yêu kính
Phong “Đại y Thiền sư”
Đối đãi rất tử tế
Khi chết, lập đền thờ.
Ở Đền Bia, dân chúng
Kể rằng rất nhiều lần
Thiền sư đã hiển thánh
Ra tay cứu bệnh nhân.
Đốc-tờ Xuân Tóc Đỏ
Đền Bia, khấn lung tung
Dùng rau má, nước ruộng
Cứu được cụ cố Hồng.
Đền Bia thờ Tuệ Tĩnh
Vẫn còn, ở Hà Đông
Ai mắc bệnh khó trị
Thử đến, kêu tên ông.
Nhưng bệnh tham, ích kỷ
Khó chữa nhất trên đời
Thuốc chỉ cứu tính mạng
Khó thay đổi tâm người.
Theo Nam Nam