Tin mới

HS có thể học bán trú, không phải xét nghiệm sàng lọc trước khi quay lại trường

Thứ năm, 17/02/2022, 18:20 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định rằng nguy cơ lây nhiễm không có sự khác biệt khi học sinh học một buổi, hai buổi hay ăn bán trú.

Hiện tại, sau hơn 2 năm phòng dịch, năng lực phòng, chống dịch của Việt Nam đã thay đổi với tỷ lệ bao phủ vaccine cao, có thuốc và phác đồ điều trị. Do vậy việc mở cửa trường học là yêu cầu bức thiết, tránh dẫn tới hệ lụy khôn lường. Mới đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố để đánh giá tình hình mở cửa trường học tại các địa phương.

Ảnh: Vnexpress
Ảnh: Vnexpress

TP Hà Nội là địa bàn có quy mô trường học lớn nhất cả nước với hơn 12.800 trường, đồng thời, số ca mắc cũng luôn dẫn đầu với gần 4.000 ca/ngày. Do vậy, đại diện UBND thành phố Hà Nội đã đề nghị sớm có vaccine tiêm cho trẻ 5-11 tuổi, đồng thời nghiên cứu vaccine tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi. Đồng thời, lãnh đạo UBND TP.HCM đề nghị xem xét việc xác định F1 khi phát hiện học sinh mắc Covid-19 trong lớp nhằm thống nhất và tổ chức đi học an toàn, ổn định.

Theo Zing, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết từ ngày 1 đến 15/2, cả nước ghi nhận số trẻ 5-15 tuổi mắc là 28.314 ca (khoảng 8,6% tổng số ca mắc); trẻ dưới 5 tuổi mắc Covid-19 khoảng 15.800 trường hợp (4,8% tổng số ca mắc). Ông Sơn nêu rõ: "Chỉ xét nghiệm với trường hợp có triệu chứng nghi nhiễm hoặc dấu hiệu dịch tễ tiếp xúc với F0" chứ không quy định học sinh phải xét nghiệm sàng lọc trước khi đến trường, lớp.

Ảnh: Báo Gia Lai
Ảnh: Báo Gia Lai

Đặc biệt, Thứ trưởng khẳng định “không có sự khác biệt về nguy cơ lây nhiễm cho học sinh học một buổi, hai buổi hoặc ăn bán trú”. Do vậy, các trường đảm bảo điều kiện, yêu cầu về phòng, chống dịch có thể tổ chức học bán trú để giảm phiền hà cho phụ huynh và gia đình. Bộ Y tế sẽ sớm có hướng dẫn cụ thể về chăm sóc, thuốc điều trị cho những học sinh mắc Covid-19 nhằm tạo sự an tâm cho phụ huynh và xã hội.

Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh giải pháp đưa trẻ trở lại trường học phải mang tính dài hơn, phải có sự chỉ đạo thống nhất trên cả nước nhưng không áp dụng máy móc, cứng nhắc, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến nay đã có 54/63 tỉnh, thành phố cho trẻ mầm non học trực tiếp; 59/63 địa phương cho học sinh bậc tiểu học học trực tiếp. 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: đi học lại