Khoảng hơn 60 đối tượng côn đồ mang theo xe xúc đã tìm cách đe, đuổi người dân đang phong tỏa nhà máy gây ô nhiễm môi trường.... Lực lượng CA đã phải vào cuộc.
Vì sao người dân phong tỏa nhà máy luyện gang?
Theo ghi nhận của UBND xã An Hồng, huyện An Dương (TP Hải Phòng), từ ngày 4 - 5 đến nay, người dân hai thôn Phạm Dùng, Khánh Thịnh, xã An Hồng đã đổ đá, lập rào chắn đường vào Nhà máy luyện gang của Cty CP luyện gang Vạn Lợi trên địa bàn thôn Phạm Dùng để ngăn không cho Nhà máy luyện gang của DN hoạt động.
Ông Lâm Hồng Diễn, Trưởng làng văn hóa Phạm Dùng cho biết, nguyên nhân người dân hai thôn Phạm Dùng, Khánh Thịnh thực hiện việc phong tỏa Nhà máy luyện gang của Cty CP luyện gang Vạn Lợi do Nhà máy gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Từ tháng 1-2014, Nhà máy gang được các cơ quan chức năng trên địa bàn Hải Phòng xác định là thủ phạm của việc gây nên hàng loạt các sự cố ô nhiễm môi trường về khí thải, tiếng ồn, bụi mạt sắt cho các hộ dân hai thôn Phạm Dùng, Khánh Thịnh.
Bà Ngô Thị Thanh Biện, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Khánh Thịnh bức xúc, trước khi người dân hai thôn Phạm Dùng, Khánh Thịnh thực hiện phong tỏa nhà máy, đại diện người dân hai thôn đã “báo cáo”, xin phép UBND TP Hải Phòng cho người dân được “phong tỏa” nhà máy gây ô nhiễm môi trường nhưng không được chủ DN, các cơ quan chức năng của Hải Phòng giải quyết dứt điểm, bảo vệ quyền lợi của người dân.
Người dân hai thôn dựng chướng ngại vật phong tỏa nhà máy gây ô nhiểm môi trường
Sau bốn ngày “phong tỏa” nhà máy, vào hồi 23 giờ 10 phút ngày 8 – 5 bất ngờ xuất hiện một nhóm 65 đối tượng đi ô tô, xe máy đến. Nhóm đối tượng này đã “khống chế” người dân để cho máy ủi “dọn dẹp hiện trường” vụ “phong tỏa” nhà máy.
Anh Trương Văn Hải (SN 1967, HKTT tại thôn Phạm Dùng), một trong số hai người dân tham gia “canh gác” tại một “chốt” vào nhà máy luyện gang kể lại, nhóm thanh niên ào đến, yêu cầu các anh ngồi yên để họ “làm việc”. Rất may, người dân hai thôn Phạm Dùng, Khánh Thịnh kịp phát hiện, chạy đến ứng cứu. Ông Lâm Hồng Diễn cùng công an viên Vũ Bá Lê cho biết, để “đuổi” được những thanh niên lạ mặt, bảo vệ người dân, người dân hai thôn Phạm Dùng, Khánh Thịnh đã phải sử dụng chất thải hất vào những đối tượng này.
Nhóm thanh niên lạ mặt chỉ chịu rời hiện trường khi CA huyện An Dương có mặt, giải tán đám đông. Chiếc xe ủi được đưa về trụ sở UBND xã An Hồng đề cơ quan chức năng làm rõ ai là người đã thuê nhóm côn đồ đến hành sự với người dân.
Phó GĐ sở TN - MT bao che sai phạm
Theo báo cáo của ông Nguyễn Cao Bằng, GĐ Cty CP luyện gang Vạn Lợi, sau thời gian dừng hoạt động, tháng 10 – 2013, Nhà máy luyện gang của DN mới quay trở lại hoạt động. Do các thiết bị xuống cấp, hư hỏng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Từ tháng 1 – 2014, người dân hai thôn Phạm Dùng, Khánh Thịnh đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng của Hải Phòng để phản đối việc DN gây ô nhiễm môi trường.
Chiếc xe ủi được nhóm thanh niên bất hảo huy động đến để giải tỏa cho DN
Để giải quyết dứt điểm việc DN gây ô nhiễm môi trường, trước sự chứng kiến của UBND huyện An Dương, ngày 13 – 1, Cty CP luyện gang Vạn Lợi có văn bản cam kết thực hiện quan trắc để đánh giá tác động môi trường có sự chứng kiến của người dân và cơ quan chức năng. Theo kết hoạch quan trắc được sở TN - MT phê duyệt, đơn vị quan trắc thuộc sở TN – MT TP Hải Phòng sẽ thực hiện quan trắc tại 04 vị trí tại 03 lò đốt nguyên liệu và 01 dây chuyền vận chuyển nguyên liệu, những “địa điểm” được xác định để xác định mức độ xả thải khí độc, tiếng ồn, và bụi ra môi trường.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của người dân, mặc dù DN đã “tạo điều kiện” cho lực lượng quan trắc môi trường được “thực thi nhiệm vụ” nhưng người dân phát hiện tại thời điểm quan trắc, các dây chuyền đều chạy không tải, tức không có nguyên liệu quặng được đưa vào vận chuyển trên băng truyền, không có nguyên liệu được đưa vào lò đốt. Từ bất thường này, người dân cho rằng DN đã có tình đánh lừa người dân, không nghiêm túc thực hiện việc kiểm tra, đánh giá tác động môi trường. Do vậy, người dân kiến nghị không tiếp tục tham gia giám sát quan trắc đánh giá tác động môi trường tại DN.
Bà Biện - ngoài cùng bên phải cùng người dân bức xúc chờ cơ quan chức năng giải quyết vụ việc
Người dân phát hiện bất thường trong hoạt động quan trắc, đánh giá tác động môi trường nhưng ông Phạm Quốc Ka, Phó GĐ Sở TN - MT và những cán bộ quan trắc của sở TN – MT TP Hải Phòng thì không, họ vẫn tiến hành quan trắc, ra kết luận đánh giá tác động môi trường. Vị Phó GĐ sở này vẫn cho công nhận, công bố kết quả quan trắc, đánh giá tác động môi trường tại DN phù hợp quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Bà Ngô Thị Thanh Biện cho rằng, với hành động này, ông Phạm Quốc Ka, Phó GĐ Sở TN – MT TP Hải Phòng đã đồng lõa, tiếp tay cho DN hủy hoại môi trường, đầu độc người dân.
Chưa hết, dưới sự chủ trì của UBND huyện An Dương, tại cuộc họp ngày 15 – 4, ông Phạm Quốc Ka, Phó GĐ sở TN – MT TP Hải Phòng vẫn cho rằng, chỉ sau 15 ngày, DN có thể khắc phục được sự cố môi trường. Tuy nhiên, trước những chứng cứ việc kiểm tra, đánh giá tác động môi trường của Sở TN – MT dưới sự chỉ đạo của ông Phạm Quốc Ka có quá nhiều vi phạm, chính ông Phạm Quốc Ka đã phải hủy bỏ kết luận kết quả quan trắc, đánh giá tác động môi trường, “xin” người dân được kiểm tra, đánh giá lại tác động môi trường.
Người dân quyết "bám trụ", phong tỏa DN gây ô nhiễm môi trường
Ông Lâm Hồng Diễm cho rằng, chính vị phó GĐ Sở TN – MT hứa sau 15 ngày sau cuộc họp ngày 15 – 4, DN sẽ khắc phục được sự cố môi trường là điều kiện tiên quyết để DN này quyết định đưa nhà máy quay trở lại hoạt động vào ngày 30 – 4, khiến người dân bức xúc, lập hàng rào ngăn cản DN hoạt động.
Bà Biện cho rằng, chính việc Phó GĐ sở TN – MT TP Hải Phòng Phạm Quốc Ka có biểu hiện bao che cho vi phạm môi trường khiến người dân mất lòng tin vào cơ quan chức năng trên địa bàn, gây khiếu kiện đông người, phức tạp kéo dài.
Ông Nguyễn Văn Hoàn, Chủ tịch UBND huyện An Dương cho biết, trách nhiệm chính trong việc kiểm tra, giám sát việc chấp hành luật môi trường đối với DN trên địa bàn thuộc Sở TN – MT. UBND huyện đã yêu cầu lực lượng CA làm rõ nguyên nhân, động cơ nhóm đối tượng đến đe dọa người dân để “giải phóng” cho DN vi phạm pháp luật môi trường.
Theo Nam Khánh – Quỳnh Hoa