Tin mới

Thơm lừng canh đắng giải ngấy sau Tết

Thứ hai, 15/02/2016, 15:51 (GMT+7)

Vị đắng đến tê đầu lưỡi của món canh đắng sẽ giúp đánh bay cảm giác "ngấy" sau mấy ngày Tết ăm ắp thịt cá và các món khó tiêu.

Vị đắng đến tê đầu lưỡi của món canh đắng sẽ giúp đánh bay cảm giác "ngấy" sau mấy ngày Tết ăm ắp thịt cá và các món khó tiêu.

Về nhiều huyện vùng núi của Thanh Hóa, nếu chưa có dịp thưởng thức món cánh đắng do chính dân bản địa chế biến thì có thể coi là một thiếu sót lớn. 

Canh đắng hầu như được người dân nấu ăn quanh năm, song phổ biến nhất vẫn là trong các dịp lễ Tết. Sau những ê hề thịt cá, bát canh đắng sẽ giúp đánh bay cảm giác đầy bụng, khó tiêu, ngán mỡ... Trước ngày 30 tháng chạp, mẹ đi chợ xăm lo mua thịt cá về làm cỗ. Còn rau, phần thì mẹ đã trồng sẵn trong vườn, phần thì dễ kiếm vì chỉ cần leo đồi một buổi thì có thể kiếm cơ man nào là rau rừng, mà đặc biệt trong đó không thể nào thiếu được nắm lá đắng nấu canh.

Lá đắng dùng để nấu canh

Những người già trong làng gọi loại thứ lá này là lá chân chim (có thể vì lá xòe ra giống hình chân chim). Món canh do người "bản địa" chế biến cũng đơn giản hết sức. Ở những gia đình nghèo, lá đắng được nấu với nội tạng của trâu bò, lợn gà hay thậm chí chỉ với phần thức ăn thừa còn lại sau mấy ngày lễ. Còn nếu "sang" hơn thì nấu canh đắng với thịt bò, thịt gà băm nhỏ, hoặc với các loại cá ao như cá trắm, cá gáy (cá chép)...

Nội tạng lợn rất hợp với lá đắng

Gia vị để nấu loại canh này không thể thiếu riềng, sả, mắm tôm, mẻ chua. Ban đầu, thịt hoặc nội tạng được băm nhỏ, cá thì có thể cắt khúc, ướp với riềng sả, mắm tôm và mẻ cho thấm. Sau khi phi thơm hành mỡ thì cho hỗn hợp ướp trên vào nồi; đảo chín thì bắt đầu cho lá đắng đã thái nhỏ vào cùng, nêm thêm gia vị rồi mới bắt đầu cho nước vào và đun sôi kỹ. Một số gia đình có thói quen cho bát tiết vào nồi canh để canh lên màu. Và cầu kỳ hơn nữa thì rắc thêm ít mắc khén để canh thêm dậy mùi.

Tô canh đắng giúp giải thơm lừng, hấp dẫn. Ảnh: Tuấn Minh

Ngày lạnh, bên mâm cỗ toàn những thịt cá, bánh chưng, xôi nếp, mẹ đặt thêm tô canh đắng nóng hổi, thơm phức. Từ già cho tới trẻ nhỏ trong nhà quây quần, cùng thưởng thức món canh trước tiên. Khách tới nhà chơi Tết sẽ được gia chủ mời bát canh đắng trước khi nâng chén rượu. Nếu là người lần đầu thưởng thức canh đắng thì sẽ khó tránh khỏi cảm giác rùng mình khi nhấp ngụm canh đầu tiên, nhưng với người dân bản địa thì từ bé tới lớn đều bị ghiền món canh này từ lúc nào không hay.

Thường thì canh đắng phải ăn nóng, vừa húp canh vừa xuýt xoa mới thấm được cái vị đắng đến tê đầu lưỡi, cái cảm giác ấm nóng của nước canh vừa mới bắc ra từ bếp và sau đó thì cảm nhận vị ngon khó tả, khó thể quên của thứ canh dân dã xứ nghèo.

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news