Trẻ em luôn là nhóm dễ bị tổn thương nhất trong các thảm họa. Do đó, chính quyền Indonesia đang tiến hành các chương trình hỗ trợ tâm lý, xã hội để các em nhỏ trong vùng động đất, sóng thần tại Sulawesi sớm vượt qua nỗi sợ, trở lại cuộc sống bình thường.
Khi nhìn những nụ cười rạng rỡ cùng những trò chơi tinh nghịch của các em nhỏ tại một trại tạm trú ở Palu, thật khó để tin rằng các em là những nạn nhân của một trong những thảm họa tự nhiên tồi tệ nhất của Indonesia.
Các em nhỏ tại một trại tạm trú. Ảnh: Channel News Asia |
Tất cả các em đều mất nhà cửa sau khi thảm họa kép làm rung chuyển đảo Sulawesi hôm 28/9. Văn phòng các vấn đề xã hội của hòn đảo đang là nơi tạm trú của 30 em nhỏ.
“Mục tiêu của chúng tôi là giúp những đứa trẻ quên đi những trải nghiệm khó khăn mà chúng vừa mới trải qua”, cô Karina Sidik – công tác tại Bộ Các vấn đề xã hội Indonesia, cho biết.
Sidik là 1 trong 10 nhân viên công tác xã hội thuộc chương trình hỗ trợ tâm lý, xã hội cho trẻ em trong vùng bị ảnh hưởng tại Sulawesi. Với sự trợ giúp từ Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và các nhóm bảo vệ trẻ em khác, 15 trung tâm hỗ trợ dự kiến được dựng lên tại Palu và Donggala.
Syafad, 6 tuổi và Rafad, 8 tuổi cầm những tấm giấy có dòng chữ viết bằng tay và thùng các tông để xin cứu trợ. Ảnh: Mirror |
Tới nay, 4 trung tâm đã đi vào hoạt dộng. Mỗi cơ sở có sự góp mặt của các nhân viên công tác xã hội, những người sẽ dành thời gian vài giờ mỗi ngày dạy lũ trẻ vẽ, hát và vui chơi.
Các hoạt động được thiết kế nhằm giúp các em tìm thấy niềm vui trở lại và học hỏi các kỹ năng xã hội. Một số bài hát dạy các em cách phản ứng khi động đất xảy ra.
Nhiều em nhỏ vẫn còn bàng hoàng trước những gì mới trải qua. “Cháu vẫn cảm thấy sợ”, một bé gái 4 tuổi nói.
Hơn 2 tuần đã trôi qua kể từ sau thảm họa kép, cô bé vẫn nhảy dựng lên mỗi khi nghe thấy tiếng động mạnh, lo sợ rằng một trận động đất khác lại xảy ra.
“Trẻ em là nhóm dễ bị tổn thương nhất trong bất kỳ thảm họa nào. Nhịp sinh hoạt hàng ngày của các em bị xáo trộn. Các em cần sự hỗ trợ để khôi phục nhịp sống bình thường và vượt qua”, nhân viên công tác xã hội Ramadhani Sri Handayani nói.
Cô Sidik cho biết, nỗi sợ đã bắt đầu phai mờ đi trong tâm trí nhiều đứa trẻ. Các em có xu hướng bình tĩnh hơn khi cảm thấy một cơn rung chấn thay vì chạy nháo nhào như trước đó.
Mohamed Yahya Rasledon với con gái Suci. Ảnh: Mirror |
“Cháu không còn sợ động đất nữa”, một câu bé 7 tuổi nói, kèm theo một nụ cười tươi.
Bộ Các vấn đề xã hội Indonesia cũng giúp đoàn tụ các gia đình bị chia tách sau thảm họa. Theo số liệu của Bộ này, 74 trẻ em đã bị thất lạc sau vụ việc. 3 em đã được đoàn tụ với gia đình.
Trang Vũ (Tổng hợp)