Trong bối cảnh bất hòa về lãnh thổ, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã cáo buộc láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ là trung tâm diễn ra phần lớn hoạt động buôn lậu dầu từ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS.
Tờ Russia Today của Nga đưa tin trong cuộc họp với Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, ông Abadi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn nạn buôn lậu dầu từ các khu vực do IS kiểm soát ở Iraq và Syria. Thủ tướng Iraq cũng kêu gọi quốc tế hỗ trợ để giúp nước ông chiến đấu chống lại IS.
"Thổ Nhĩ Kỳ là nước láng giềng của Iraq và là một nước lẽ ra cần thân thiết với Iraq. Họ đã hứa với chúng tôi là sẽ chấm dứt xâm nhập của những kẻ khủng bố tuy nhiên, chúng ta cần hành động nhiều hơn để ngăn chặn việc tuồn thêm những phần tử khủng bố từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Syria và Iraq. Đồng thời ngăn việc buôn lậu dầu từ Syria và Iraq cùng nguồn tài chính mà Daesh (IS) kiếm được từ hoạt động thương mại bất hợp pháp này", ông Abadi nói.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tố Thổ Nhĩ Kỳ là nơi diễn ra hoạt động buôn lậu dầu chính từ IS. Ảnh: Reuters |
Thủ tướng Iraq nói rằng phía Thổ Nhĩ Kỳ đã biết về vấn đề này và họ hứa sẽ giải quyết theo giải pháp của Hội đồng Bảo an LHQ đưa ra hồi tháng trước đó là kêu gọi tất cả các nước chống lại mối đe dọa IS.
Theo ước tính mới nhất, hơn 43% Doanh thu của IS đến từ hoạt động buôn dầu bất hợp pháp. Dữ liệu trinh sát của Bộ Quốc phòng Nga cho thấy hầu hết hoạt động buôn lậu dầu diễn ra thông qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Chủ đề nóng Thổ Nhĩ Kỳ trục lợi từ việc buôn lậu dầu được đưa ra sau vụ Thổ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga ở không phận Syria giữa lúc chiến dịch chống IS đang diễn ra.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mô tả hành động này là "đâm sau lưng" do những kẻ ủng hộ khủng bố tiến hành và cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới hoạt động buôn lậu dầu với IS. Ngay sau hành động "lừa đảo"của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đã đưa ra một số biện pháp trừng phạt Ankara và triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa tới để bảo vệ chiến dịch không kích của mình ở Syria.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, là thành viên của liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu tiếp tục có nhwgnx hành động đơn phương trong khu vực. Ngày 3/12, Thổ đã triển khai hơn 100 binh sĩ được trang bị xe tăng và pháo binh tới Iraq, cạnh thành phố Mosul do IS kiểm soát.
Baghdad đã gọi động thái này là vi phạm chủ quyền của Iraq trong khi Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục nhấn mạnh rằng quân đội của họ đang thực hiện nhiệm vụ quốc tế để huấn luyện và trang bị cho quân đội Iraq trong cuộc chiến chống IS.
Tuy nhiên, trong một gặp với Ngoại trưởng Đức, ông Abadi một lần nữa làm rõ việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân tới lãnh thổ Iraq là "không thể chấp nhận" và tiến hành "mà không thông báo hay được sự đồng ý của chính phủ Iraq".
Ngày 6/12, Baghdad đã gia hạn cho Ankara 48 giờ để rút quân khỏi Iraq.
"Trong trường hợp chúng tôi không nhận được bất cứ tín hiệu tích cực nào trước thời hạn chúng tôi định ra cho phía Thổ Nhĩ Kỳ, thì chúng tôi sẽ duy trì quyền hợp pháp của mình để nộp đơn khiếu nại lên Hội đồng Bảo an LHQ để ngăn chặn hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Iraq", phát ngôn viên của chính phủ Iraq Saad al-Hadithi nói ngày hôm qua (7/12).
Một nguồn tin nói với hãng RIA, Nga đã sẵn sàng để đưa vấn đề này lên Hội đồng Bảo an LHQ.
Bảo Linh (theo Russia Today)