Những ngày qua, TP.Hà Nội luôn ở tình trạng ô nhiễm bụi tăng cao, nhiều ngày ở mức kém, trong đó ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 là chủ yếu, ảnh hưởng tới sức khoẻ con người, đặc biệt là người già và trẻ em.
Nguyên nhân chủ yếu được Hà Nội đưa ra do: Khí thải từ ô tô xe máy, người dân đun bếp than tổ ong, việc phá dỡ công trình, mùi hôi thối của hệ thống thoát nước, trại chăn nuôi gia súc gia cầm chưa đạt chuẩn, đốt rơm rạ, do thời tiết thay đổi… Đặc biệt, mật độ dân cư, cơ sở hạ tầng dày đặc và giao thông ùn tắc là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bầu không khí tại trung tâm Thủ đô Hà Nội hiện nay kém.
Không khí ô nhiễm nặng khiến người dân hết sức lo ngại.
Trước đó, các chuyên gia môi trường và lĩnh vực khác đều đặt vấn đề, TP. Hà Nội cần sớm điều tra, đánh giá cụ thể, có biện pháp để giải quyết vấn đề nghiêm trọng hiện nay. Tuy nhiên, nhiều giải pháp vẫn đi vào ngõ cụt.
PGD.TS. Nguyễn Duy Thịnh (Viện công nghệ sinh học – Đại học Bách khoa Hà Nội): Lỗi quy hoạch
PGD.TS. Nguyễn Duy Thịnh (Viện công nghệ sinh học – Đại học Bách khoa Hà Nội)
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh nhận định, thông tin khuyến cáo người dân đeo khẩu trang chỉ là giải pháp ngắn hạn.
"Theo tôi, nguyên nhân chính ảnh hưởng nghiêm trọng đến ô nhiễm bụi là tăng mật độ dân cư bừa bãi, không có quy hoạch, tổ chức. Dân cư đông dẫn đến các vấn đề khác tăng cao từ cơ sở hạ tầng đến ùn tắc giao thông, từ xe máy, ô tô kéo theo rất nhiều vấn đề nghiêm trọng khác.
Hiện tại, một chung cư với diện tích hơn 60m2, 35 tầng đã có hàng nghìn người ở, thì sức ép dân cư như vậy ô nhiễm nặng là đúng", PGD.TS. Nguyễn Duy Thịnh chỉ ra nguyên nhân.
Cũng theo ông Thịnh, Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, trung tâm văn hóa, không nên thu hút đầu tư kinh tế nhiều. "Việc phải làm là điều chỉnh mật độ dân cư, đáng lẽ phải làm từ lâu không thể đợi đến bây giờ, còn làm bây giờ thì phải kiên quyết.
Chúng ta nên giảm thiểu bằng cách di dời cơ sở hạ tầng sang các tỉnh lân cận (Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam,…), từ đó kéo theo dân cư cũng di dời theo vì cuộc sống mưu sinh. Tôi đề nghị làm quyết liệt", ông Thịnh nhấn mạnh.
Cạnh đó, ông Thịnh cho rằng việc di dời trường đại học, bệnh viện ra ngoại đô là cần làm, tuy nhiên phải có kinh phí hỗ trợ, có quỹ hỗ trợ. Nếu đơn vị nào không thực hiện nghiêm chỉnh thì phải áp dụng pháp luật xử lý nghiêm.
Ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam: Chúng ta phải tỏ rõ sự quyết tâm trong việc giải quyết ô nhiễm không khí tại Thủ đô
Ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam
Theo ông Tùng, ô nhiễm không khí do bụi mịn hiện nay tại TP. Hà Nội ở mức rất kém, một phần nguyên nhân là do đốt rơm rạ tại các cánh đồng ngoại thành góp phần ô nhiễm không khí nặng hơn. Chính vì thế, Hà Nội cần có giải pháp cho việc này.
Một phần nguyên nhân do khói bụi từ việc ùn tắc các phương tiện giao thông. Toàn Thủ đô đang có đến 6,6 triệu phương tiện, trong đó xe máy là 5,7 triệu chiếc thải khói ra môi trường mỗi ngày.
Khi tắc đường kéo dài, động cơ xe vẫn phải hoạt động liên tục khiến cho lượng khí thải phát ra lớn hơn. Lượng khí thải này bao phủ trong phạm vi chật hẹp nên người dân hít phải nhiều khí độc.
"Việc cấm xe máy, cũng như di dời các cơ sở hạ tầng chúng ta không thể làm ngày một ngày hai được, cần có lộ trình cụ thể", ông Tùng cho hay.
Ngoài ra, ông Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh: “Để hạn chế ô nhiễm không khí, lực lượng chức năng của Hà Nội nên tăng cường kiểm soát chất lượng xe tham gia giao thông; đẩy nhanh việc cấm phương tiện cá nhân vào nội đô, thay thế dần bằng xe đạp và phương tiện công cộng để giảm thiểu ô nhiễm; thay thế xăng A92 bằng xăng E5. Bên cạnh đó, ngành giao thông Thủ đô cũng nên tăng số lượng cầu vượt nhằm tránh ùn tắc; và tổ chức lại vấn đề lấn chiếm vỉa hè, để khuyến khích người dân đi bộ.
Chúng ta phải tỏ rõ sự quyết tâm cũng như đồng thuận của người dân trong vấn đề chung tay giảm thiểu ô nhiễm không khí nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung".
Trên thực tế, chủ trương di dời đã được đặt ra từ năm 2008 và đến tháng 1/2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định giao UBND TP. Hà Nội lập danh mục, xác định các tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cụ thể cho các cơ sở sản xuất công nghiệp cần phải di dời ra ngoài khu vực nội thành.
Tháng 4/2015, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định nhằm kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị, đồng thời xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 116 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. Ngoài ra, thành phố giao nhiệm vụ cho các sở, ngành phân tích quan trắc mức độ gây ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở sản xuất này. Tuy nhiên, hiện nay tiến độ di dời các cơ sở sản xuất diễn ra quá chậm chạp.
Số liệu báo cáo của UBND Hà Nội gửi bộ Xây dựng vào tháng 6/2019 cho biết, hiện có 67 cơ sở công nghiệp phải di dời đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng nhà ở, trường học, hạ tầng kỹ thuật, đất dịch vụ thương mại với diện tích hơn 102ha; 27 cơ sở đã được chấp thuận chủ trương hoặc phê duyệt quy hoạch cho phép chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích hơn 38,6ha.
Báo cáo gửi các cơ quan Trung ương, UBND Hà Nội cho rằng, công tác di dời các cơ sở công nghiệp, sản xuất gây ô nhiễm còn chậm, manh mún do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về: Tài chính, cơ chế, Chính sách hỗ trợ, hình thức di dời, việc bàn giao lại quỹ đất sau di dời cho thành phố.