Tin mới

Khi nào cảnh sát được nổ súng bắn nghi phạm?

Thứ ba, 08/09/2015, 10:48 (GMT+7)

Người thi hành công vụ chỉ được nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo…

Trước khi nổ súng, người thi hành công vụ phải tuân thủ các nguyên tắc mà pháp luật đã quy định như: Phải đánh giá tình huống, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định có hay không việc nổ súng, chỉ được nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo…

Sự việc Thiếu tá Lê Minh Chánh, Trưởng Công an thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, nổ súng bắn Nguyễn Văn Hữu (ngụ địa phương này), người say rượu đánh hàng xóm trọng thương và suýt dìm chết cháu bé 13 ngày tuổi đang gây xôn xao dư luận. Nghi can Nguyễn Văn Hữu được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong.

Hành động dũng cảm, kịp thời là ý kiến của nhiều người về hành động của thiếu tá Lê Minh Chánh.

Vậy, trong những trường hợp cụ thể nào, cảnh sát được nổ súng bắn nghi phạm?

Trao đổi trên báo Tuổi trẻ, một chuyên gia nghiên cứu tội phạm cho rằng, thiếu tá đã bắn chỉ thiên nhưng đối tượng vẫn không dừng hành vi gây nguy hiểm.

“Giữa 2 sinh mạng con người bị đe dọa và một đối tượng mất kiểm soát thì người thi hành công vụ không còn lựa chọn nào khác” - báo Tuổi trẻ dẫn lời vị này cho hay.

Cháu bé Bùi Trương Bảo Ng. và chị Trương Thị Cam Ly đã được cứu sống nhờ sự ra tay kịp thời của lực lượng công an - Ảnh: Công an Nhân dân

Đối với trường hợp của thiếu tá Lê Minh Chánh, trả lời trên báo Tuổi trẻ, luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, việc nổ súng là cần thiết và hợp lý vì đối tượng Hữu đang gây nguy hiểm cho tính mạng của cháu bé 13 ngày tuổi và việc nổ súng cũng diễn ra sau nhiều giờ thương thuyết bất thành mà tên Hữu vẫn không hợp tác sau phát súng chỉ thiên.

Cùng chung quan điểm trên, trao đổi trên Zing, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Giám đốc Công ty luật TNHH Đức Chánh, TP HCM) cho biết, hành động nổ súng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng và tài sản của công dân. Vì thế, công an phải xem xét vào từng tình huống cụ thể, mức độ nguy hiểm của tội phạm để quyết định sử dụng loại vũ khí này.

Theo quy định tại khoản 3, Điều 22 Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 ngày 30/6/2011 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, người thi hành công vụ được nổ súng trong các trường hợp: Nghi can đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác.

Nghi can đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật. Nghi can thực hiện cướp súng của người thi hành công vụ.

Ngoài ra, theo luật sư khi nghi can đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì công an cũng có thể nổ súng.

Nghi can đang đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; người bị giam, giữ, bị dẫn giải, bị áp giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đang chạy trốn hoặc chống lạị…

Cũng theo Pháp lệnh này, người thi hành công vụ phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của nghi can để quyết định việc nổ súng.

"Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi tội phạm, sau khi đã cảnh báo mà nghi can không tuân theo. Việc cảnh báo trước khi nổ súng được thể hiện bằng mệnh lệnh qua lời nói hoặc bắn chỉ thiên.

Không nổ súng vào nghi can khi biết rõ người đó là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác" Zing dẫn lời luật sư nói.

Trao đổi trên báo Vnmedia, Luật sư Vũ Thái Hà, Giám đốc Công ty TNHH Luật You&Me cho biết, trước khi nổ súng, người thi hành công vụ phải tuân thủ các nguyên tắc mà pháp luật đã quy định như: phải đánh giá tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định có hay không việc nổ súng, chỉ được nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo, trong mọi trường hợp nổ súng, người nổ súng phải hạn chế tối đa thiệt hại do việc nổ súng gây ra.

Nhưng, nổ súng là biện pháp có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng tới sức khoẻ, tính mạng và tài sản của công dân. Do đó, các trường hợp được nổ súng phải được liệt kê rõ ràng và chi tiết tránh trường hợp lạm dụng.

Liên quan đến vụ việc, chiều ngày 7/9, trao đổi trên báo Pháp luật TP.HCM về diễn tiến xử lý vụ việc trên, ông Huỳnh Đông Bắc, Chánh văn phòng VKSND tỉnh Kiên Giang, cho hay: “Qua quá trình điều tra cho thấy hung thủ đã ngoan cố và có nhiều hành động cuồng sát nên công an thị trấn Dương Đông sau khi vận động không được mới nổ súng. Việc nổ súng cứu người trong tình huống khẩn cấp như vậy là phù hợp với quy định pháp luật, nếu không hậu quả sẽ khôn lường”.

Cũng theo ông Đông Bắc, qua kiểm sát điều tra sự việc này không có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

“Thực tế, trong những tình huống cấp thiết như vậy, sau khi áp dụng mọi biện pháp mà đối tượng vẫn không dừng hành động phạm tội thì công an phải nổ súng để trấn áp tội phạm, giành lại sự sống cho em bé 13 ngày tuổi” – báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời ông Bắc nói.

Về sức khỏe của cháu Ng. và chị Ly, thông tin trên báo Công an Nhân dân, đến chiều ngày 7/9, anh Bùi Văn Bảo - chồng chị Ly cho biết, con gái anh chị đã khoẻ, uống được sữa nhiều lần.

Hiện chị Ly vẫn đang nằm tại Bệnh viện đa khoa huyện Phú Quốc. Cả anh và người thân đều từng đề nghị lãnh đạo Bệnh viện cho được chuyển hai mẹ con vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang để tiếp tục điều trị  song bệnh viện huyện chưa có chỉ định chuyển viện.

Cự Giải (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news