Tin mới

Khoảng lặng sau sự nghiệp lẫy lừng của cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang

Thứ hai, 02/06/2014, 15:00 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Sự ra đi đột ngột của cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang - một huyền thoại sống của bóng đá miền Nam và bóng đá nước nhà - đã để lại sự tiếc thương cho làng bóng đá Việt Nam và những người yêu quý ông.

(Tinmoi.vn) Sự ra đi đột ngột của cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang - một huyền thoại sống của bóng đá miền Nam và bóng đá nước nhà - đã để lại sự tiếc thương cho làng bóng đá Việt Nam và những người yêu quý ông.

 

Cựu danh thủ bóng đá Phạm Huỳnh Tam Lang đã qua đời tại Bệnh viện Chợ Rẫy vào sáng 2/6 vì đột quỵ sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật, hưởng thọ 72 tuổi.

Sự ra đi đột ngột của một huyền thoại sống của bóng đá miền Nam và bóng đá nước nhà đã để lại sự tiếc thương cho làng bóng đá Việt Nam và những người yêu quý Phạm Huỳnh Tam Lang.

Khoảng lặng sau sự nghiệp lẫy lừng của cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang

Cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang

Phạm Huỳnh Tam Lang là một trong những danh thủ tài năng nhất của bóng đá Việt Nam được thế giới biết đến. Ông sinh ngày 14/2/1942 trong một gia đình đông con ở Gò Công, Tiền Giang.

Ông trưởng thành từ bóng đá học đường, thi đấu ở vị trí trung vệ cho đội Petrus Ký (nay là trường THPT Lê Hồng Phong) và nhanh chóng trở thành biểu tượng của bóng đá miền Nam thời nước nhà chưa thống nhất, từng được đánh giá là một trong những trung vệ tài hoa của bóng đá Việt Nam và châu Á của những năm 1970.

Năm 1960, tức mới 18 tuổi, Tam Lang được triệu tập vào đội tuyển bóng đá miền Nam Việt Nam và nhanh chóng chiếm một vị trí chính thức tham gia các giải đấu quốc tế như SEAP Games (tiền thân của SEA Games sau này), Á vận hội và một số sự kiện khác. Tài năng và đức độ của Tam Lang được đồng đội nể trọng. Ông được bầu làm đội trưởng dự giải Merdeka Cup năm 1966 tại Malaysia dưới sự dẫn dắt của HLV Weigang. Thời đó, Merdeka Cup là giải đấu danh tiếng, quy tụ những đội bóng hàng đầu châu Á.

Tam Lang với phong độ xuất sắc đã dẫn dắt tuyển miền Nam Việt Nam lên ngôi vô địch sau khi đánh bại Miến Điện (Myanmar bây giờ) với tỷ số 1-0. Sau giải đấu này, ông cùng đồng đội Đỗ Thới Vinh được gọi vào đội tuyển “Ngôi sao châu Á” vào năm 1967. Đây là vinh dự rất lớn đối với một cầu thủ bóng đá Việt Nam và cũng là mốc son chói lọi trong lịch sử bóng đá Việt Nam.

Khoảng lặng sau sự nghiệp lẫy lừng của cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang

Phạm Huỳnh Tam Lang được bầu làm đội trưởng đội tuyển miền Nam Việt Nam ngay trước thềm Merdeka Cup rồi sau đó lên ngôi vô địch. Đây là mốc son chói lọi trong lịch sử bóng đá Việt Nam.

Sau hơn 20 năm gắn bó với nghiệp cầu thủ, Tam Lang giải nghệ. Ông được cử theo học khóa HLV tại CHDC Đức. Sau khi tốt nghiệp loại ưu lớp HLV quốc tế này năm 1981, Tam Lang về dẫn dắt CLB Cảng Sài Gòn và tạo nên giai đoạn thành công nhất của đội bóng. Dưới thời Tam Lang, Cảng Sài Gòn chơi hoa mỹ nhưng cũng rất hiệu quả và 4 lần lên ngôi VĐQG vào các năm 1986, 1994, 1997, 2002, đoạt 2 Cup quốc gia vào các năm 1997, 2002 và nhiều danh hiệu khác.

Ngoài ra, trong những năm 1997 - 2001, ông cũng được cử làm trợ lý cho các HLV trưởng đội tuyển quốc gia Việt Nam như Collin Murphy, Alfred Riedl và Dido.

Thời trẻ, là một cầu thủ nổi tiếng, Tam Lang còn được nhiều người biết đến khi từng lập gia đình với nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết. Sau này, mỗi người đều có gia đình riêng và vẫn xem nhau như những người bạn tốt. Từng đeo lon hạ sĩ cảnh sát chế độ cũ thế nhưng Tam Lang cũng là một trong những HLV thể thao được kết nạp Đảng sau ngày đất nước thống nhất, ghi nhận sự tận tụy của ông trong công việc, cuộc sống dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào.

Mãi đến năm 40 tuổi, Tam Lang mới tìm được bến đỗ cuối của cuộc đời cùng người vợ Tô Thị Minh Hồng kém ông 15 tuổi. Họ có một cô con gái du học ngành dược và đã đi làm tại Australia.

Sau lần chia tay với Cảng Sài Gòn tháng 9/2003, ông rời bóng đá đỉnh cao, lui về làm bóng đá trẻ ở Thành Long rồi lại quay về với nghiệp cầm quân ở CLB TP.HCM. Sau hai mùa, cho đến khi lâm bệnh, ông mới mới nhận ra niềm đam mê quá vô hạn của mình, khó dứt ra khỏi bóng đá, nhất là ở lĩnh vực đào tạo trẻ để rồi lại nhận lời làm cố vấn cho Trung tâm đào tạo trẻ Scavi-Rocheteau. Trung tâm này sau đó hoạt động không hiệu quả, Tam Lang trở về với cuộc sống thường nhật của một ông lão sắp bước sang tuổi 70 nhiều bệnh tật, lắm nỗi muộn phiền trong cuộc sống.

Khoảng lặng sau sự nghiệp lẫy lừng của cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang

Cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang trong ngày ra mắt quỹ Từ thiện mang chính tên mình nhân dịp sinh nhật lần thứ 72 vào hôm 14/2/2014.

Những năm cuối đời, Tam Lang bị nhiều chứng bệnh hành hạ, chủ yếu là gút, tim mạch và mất trí nhớ nhưng ông vẫn bình thản chấp nhận. Đến cuối đời, dù mang trong mình nhiều bệnh tật ông vẫn đau đáu khi nghĩ về bóng đá nước nhà, về những đồng đội, học trò không may mắn, về những vấn nạn bạo lực trên sân cỏ… Ông là một trong những người tham gia thành lập Hội cựu cầu thủ TP HCM, kêu gọi các cựu cầu thủ duy trì tập luyện để giữ sức khỏe đồng thời truyền lại niềm đam mê cho thế hệ trẻ mà bản thân ông là một tấm gương lớn.

Đúng ngày sinh nhật của mình, cũng là ngày lễ tình yêu 14/2/2014, “Quỹ bóng đá danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang” đã ra đời để đỡ đần việc thuốc thang cho chính ông cũng như hỗ trợ cho các cựu cầu thủ bóng đá TP.HCM gặp khó khăn và bệnh tật. Nhưng ông không sống thêm được bao lâu trong sự tương trợ của đồng nghiệp, của các lớp cầu thủ thế hệ con, cháu, của người hâm mộ.

Những mốc chính trong sự nghiệp của Phạm Huỳnh Tam Lang:

Sinh ngày 14/2/1942 tại Gò Công (Tiền Giang), Phạm Huỳnh Tam Lang tham gia đá bóng từ khi còn ngồi trong ghế nhà trường. 18 tuổi, Tam Lang được gọi vào đội tuyển miền Nam và nhanh chóng chiếm được vị trí chính thức.

Năm 1966, Tam Lang làm đội trưởng thay Nguyễn Ngọc Thanh, cùng tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam vô địch Merdeka. Sau đó ông cùng Đỗ Thới Vinh được gọi vào đội “Ngôi sao châu Á”.

Năm 1981, ông được ngành Thể dục thể thao TP.HCM cử đi tu nghiệp lớp huấn luyện viên quốc tế tại CHDC Đức. Kết thúc khóa học, Tam Lang nhận bằng huấn luyện viên bóng đá loại ưu. Ông dẫn dắt CSG vô địch quốc gia năm 1986, 1994, 1997, 2002 và 2 Cup quốc gia 1997, 2002.

Năm 2003, Tam Lang giã từ sự nghiệp HLV sau khi giúp CSG lên hạng. Ông được AFC trao kỷ niệm chương vì sự cống hiến trong suốt 50 năm với bóng đá Việt Nam và khu vực. Năm 2013, ông được nhận giải thưởng “Vinh danh Fair Play” nhằm tôn vinh những cá nhân tiêu biểu thể hiện tinh thần Fair Play do một tờ báo trao tặng.

Duy Minh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news