Theo kế hoạch, chiều nay (24/3), Hội nghị (Ban chấp hành) BCH VFF khóa VI sẽ họp phiên cuối cùng để thống nhất lại các kế hoạch chuẩn bị cho Đại hội BCH VFF khóa VII diễn ra vào ngày mai (25/3) cũng như các công tác liên quan khác.
Rất nhiều ý kiến cho rằng Đại hội BCH khóa VII không còn được quan tâm nhiều như các kỳ Đại hội trước đây, bởi nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt xem như đã chọn được chủ nhân ngay từ trước khi diễn ra Đại hội, bởi chỉ có duy nhất một ứng viên cho các vị trí này, hoặc nếu vị trí nào có 2 người ứng cử thì tương quan giữa 2 ứng viên lại quá rõ ràng.
Cách nghĩ này chưa hẳn đã đúng, bởi vẫn có rất nhiều ông bầu hay cầu thủ khi được phóng viên Thể thao & Văn hóa liên lạc để hỏi ý kiến về vấn đề nhân sự cấp cao của VFF khóa VII đã không dám nêu lên quan điểm của mình, mà nguyên nhân có lẽ là vì họ e ngại sẽ gặp phải phiền phức không đáng có nếu chẳng may phát ngôn lỡ lời, trong đó có cả những ông bầu hay cầu thủ nổi tiếng bạo miệng.
Điều đó cho thấy Đại hội BCH VFF khóa VII vẫn rất được quan tâm chứ chẳng phải bị thờ ơ vì bóng đá Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi cảnh khó khăn như một số ý kiến nhầm tưởng. Thậm chí, với những thay đổi mang tính bước ngoặt trong bộ máy lãnh đạo VFF khóa mới, không ít người trong giới bóng đá còn hy vọng rằng bóng đá Việt Nam sẽ có tương lai tươi sáng và tích cực hơn sau ngày 25/3/2014.
Sở dĩ nói thế là bởi 2 kỳ giải khu vực gần đây dành cho ĐT U23 QG và ĐTQG đều chứng kiến thất bại của bóng đá Việt Nam, điều mà chúng ta từng thấy ở SEA Games 2001 và Tiger Cup 2000. Trong khi đó, đã 2 năm liên tiếp, cả giải VĐQG lẫn giải hạng Nhất QG đều không có đủ 14 CLB tham gia ở mỗi giải như mấy năm trước đây.
Nhìn nhận ở một khía cạnh nào đó thì thấy rằng bóng đá Việt Nam bây giờ gần như đã không thể sa sút hơn được nữa, và đây là thời điểm thích hợp để chúng ta bắt đầu xây dựng lại từ đầu, trước tiên là ở vị trí những người chịu trách nhiệm điều hành nền bóng đá.
Đương nhiên khi bóng đá Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi cảnh khó khăn như hiện tại thì VFF cũng khó lòng được xem là “mảnh đất hứa hẹn”, và đây có thể sẽ là nguyên nhân khiến cho những ai muốn dùng bóng đá như là phương tiện để mưu cầu lợi ích và tiền tài sẽ suy nghĩ lại trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Cách đây chưa lâu, trong một cuộc trò chuyện với phóng viên Thể thao & Văn hóa về những lý do dẫn tới việc bóng đá Việt Nam liên tiếp thất bại ở sân chơi khu vực cũng như gặp phải không ít vấn đề ở các giải quốc nội, một cựu danh thủ từng đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng tại VFF đã cảm thán: “Lâu nay người ta còn ăn bóng đá, ngủ bóng đá chứ có làm bóng đá đâu”.
Thế nhưng, sắp tới có thể vị cựu danh thủ này sẽ không còn phải buông ra những lời cảm thán tương tự trong tương lai, bởi bóng đá Việt Nam bây giờ đã khác trước rất nhiều do ảnh hưởng từ sự khó khăn của nền kinh tế, và sau khi Đại hội BCH khóa VII kết thúc, nhiều khả năng sẽ có thêm những thay đổi nữa được thúc đẩy và thực hiện.
Quốc Công