Tin mới

Kiến nghị cơ chế đặc thù đối với bảo vệ dữ liệu cá nhân

Thứ sáu, 04/11/2022, 15:09 (GMT+7)

Bộ Công an kiến nghị hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế đặc thù đối với bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Sáng 4/11, “chia lửa” cùng Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình thêm một số nội dung đại biểu quan tâm.

Liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về an ninh mạng hiện nay, theo Bộ trưởng Tô Lâm, an ninh mạng còn 5 nhóm vấn đề tồn tại. Trong đó, hành lang pháp lý, hệ thống văn bản pháp luật trong quản lý an ninh mạng chưa hoàn thiện; quan hệ phối hợp giữa ban ngành, địa phương về an ninh mạng chưa thực chất; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa hiệu quả; phần lớn nền tảng dịch vụ công nghệ, mạng của nước ngoài chưa có cơ quan đại diện ở Việt Nam nên khó quản lý.

Ngoài ra, ông Tô Lâm cho hay còn nhiều sơ hở trong quản lý các loại hình dịch vụ tiền ảo, quản lý sử dụng sim. Đặc biệt là sim rác, cần mạnh tay xử lý để làm lành mạnh thông tin, giao dịch.

Bộ trưởng Công an cho biết sẽ đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ về an toàn, an ninh mạng; hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành, hoàn thiện hành lang pháp lý về an ninh mạng; nâng cao trình độ năng lực, trang bị hiện đại cho lực lượng đảm bảo an ninh mạng...

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Về tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu cá nhân, ông Tô Lâm nhìn nhận đây là thực trạng nhức nhối. Bộ Công an kiến nghị hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế đặc thù đối với bảo vệ dữ liệu cá nhân; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm cho ý kiến về dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Các ban, bộ, ngành, các địa phương chủ động đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, kiểm soát chặt chẽ quy trình bảo đảm an ninh chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ lưu trữ thông tin, dữ liệu cai nghiện.

Xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin, an ninh dữ liệu. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên lĩnh vực an ninh mạng, an ninh dữ liệu của mở rộng quan hệ hợp tác quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp bảo mật an ninh mạng hàng đầu trên thế giới.

Đối với nội dung đại biểu nêu về công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hiện nay cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã chính thức kết nối, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu chuyên ngành của 12 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp nhà nước và Ủy ban nhân dân 15 địa phương.

Tuy nhiên, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia dân cư với các bộ, ngành, địa phương còn gặp khó khăn, do hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều bộ, ngành, địa phương chưa bảo đảm, thiếu đồng bộ, chưa có hệ thống để kết nối, chưa triển khai đầy đủ các phương án đảm bảo an toàn thông tin.

Có nhiều bộ, ngành, địa phương chưa số hóa dữ liệu, quy trình phục vụ cho triển khai thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, nên dù đã kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng kết quả khai thác còn rất hạn chế.

Thời gian tới, Bộ Công an cùng với các đơn vị, bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, kết nối này để phục vụ cho Nhân dân…

ĐBQH Tạ Minh Tâm chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.
ĐBQH Tạ Minh Tâm chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

Trước đó, chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Tạ Minh Tâm (đoàn Tiền Giang) nêu rõ, hiện nay có hàng trăm triệu tài khoản tham gia các nền tảng trực tuyến nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, trong đó đối với ba mạng xã hội phổ biến nhất có tới 175 triệu tài khoản.

Với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ như hiện nay, việc thu thập, quản lý, sử dụng thông tin, dữ liệu người dùng của các nền tảng trực tuyến là vấn đề không thể xem nhẹ. Đại biểu đề nghị cho biết quan điểm và giải pháp về vấn đề này?

Bên cạnh đó, Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia tập trung rất cao, nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành đi vào vận hành. Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội, có đại biểu băn khoăn về việc bên cạnh nỗ lực số hóa, có hay không sự chậm trễ trong rà soát, sửa đổi các quy định, tối ưu hóa các quy trình liên quan đến thủ tục hành chính, chưa khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu đã công phu xây dựng. Đề nghị Bộ trưởng có nhận định về vấn đề này, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới?

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, mạng xã hội kinh doanh trên dữ liệu cá nhân, thu thập dữ liệu cá nhân. Cách đây ba năm, tại diễn đàn Quốc hội ông từng nêu quan điểm phải có mạng xã hội Việt Nam, bởi không thể bỏ nền tảng này được.

Năm 2009, tất cả nền tảng mạng xã hội Việt Nam có chưa đến 40 triệu tài khoản, đến nay mạng xã hội Việt Nam lớn nhất có 130 triệu tài khoản, tương đương với số người dùng Facebook và YouTube cộng lại. "Đây cũng là giải pháp giữ lại dữ liệu của người Việt Nam tại Việt Nam", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời gian tới, các cơ quan sẽ ban hành nghị định và tiến tới xây dựng Luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tạo hành lang pháp lý vững chắc. "Các nước ý thức rất rõ vấn đề này nên khung phạt vi phạm rất cao, có khi lên đến hàng tỷ USD với doanh nghiệp kinh Doanh thu thập dữ liệu cá nhân; mức phạt tù có khi lến đến 10 năm", Bộ trưởng dẫn chứng.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: Bộ TTTT Bộ Công an