Ở cả góc độ pháp lý, việc này chứng minh không dễ dàng gì. Ở góc độ nhân đạo, cũng không đơn giản mà đưa bà Ngọc đi khám chữa bệnh (nếu có) nhằm bảo vệ phụ nữ.
Mắc bệnh truyền nhiễm?
Mới đây, câu chuyện anh chàng tài xế taxi của hãng T.N được bà Ngọc (thường được gọi dưới biệt danh kiều nữ Hải Dương) đưa vào bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê và “khỏa thân” sau đêm ở cùng nhau trong khách sạn đang khiến dư luận quan tâm đặc biệt.
Từ ngày về Việt Nam, bà Ngọc đã khiến cho không ít tài xế taxi dính vào rắc rối bởi những chuyện “mây mưa, này nọ”. Tuy nhiên, cũng có nhiều tài xế lại đang tò mò, muốn “diện kiến” nhân vật đình đám nhất đất Hải Dương thời gian gần đây.
Theo báo chí phản ánh, cho dù đã khiến nhiều tài xế sợ hãi bằng cách chuốc thuốc kích thích để quan hệ tình dục, nhưng đến nay, chưa có ai đứng ra làm đơn tố cáo cô “kiều nữ” Mỹ sinh năm 1974 này. Do vậy, việc có hay không “kiều nữ Hải Dương” “làm nhục” một số tài xế vẫn chưa có lời đáp.
Trong khi đó, theo một số nguồn tin, bà Ngọc bị chứng cuồng dâm và có thể đã mắc bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục. Với nhan sắc tuy không quá nổi bật nhưng dẫu sao, bà Ngọc vẫn còn sức hút với một bộ phận cánh mày râu.
Mục tiêu của “kiều nữ” lại chủ yếu nhằm vào cánh tài xế taxi. Và thông tin bà Ngọc bị bệnh truyền nhiễm, tuy là chưa được kiểm chứng nhưng cũng đủ để khiến không ít tài xế taxi cùng vợ con và người thân họ phải mất ăn, mất ngủ.
Trong buổi gặp mặt báo chí, Bà Ngọc không giấu nổi sự bức xúc trước những bài báo viết rằng bà đã "cưỡng dâm" nhiều tài xế taxi
Bà Ngọc có bệnh án tâm thần và cũng chưa có đơn tố cáo của tài xế, do đó khó khăn cho cơ quan chức năng nếu muốn đi sâu vào chuyện này. Tuy nhiên, với những biểu hiện của bà Ngọc hiện tại thì có đầy đủ các dấu hiệu nguy hiểm cho chính bản thân bà này và xã hội.
Ai dám chắc, sau cánh tài xế taxi, những người đàn ông là lao động tự do khác, thiếu thông tin và sẽ thành "đối tượng" trực tiếp được mồi chài, thậm chí tấn công?
Đã có nhiều ý kiến cho rằng nên đưa bà Ngọc đi khám bệnh, chữa trị theo tinh thần nhân đạo, và ở đây, Hội phụ nữ đóng vai trò quan trọng, hơn là các cơ quan thực thi pháp luật.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng “bó tay”
Liên quan đến câu chuyện bà Ngọc có thể bị bệnh truyền nhiễm và đang tìm cách lây bệnh cho cánh tài xế taxi, một số ý kiến cho rằng Hội phụ nữ cần phải vào cuộc để tuyên truyền, vận động cho cô “kiều nữ” này.
Nhưng theo quan điểm của bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bà Ngọc có quốc tịch Mỹ, có lẽ không thuộc hội viên của chi hội phụ nữ nào tại Việt Nam nên cũng khó mà vận động, tuyên truyền được. Theo bà Hòa, nếu nhận thấy bà Ngọc có những biểu hiện có thể nguy hại đến xã hội thì cơ quan chức năng cần phải vào cuộc.
“Chính quyền nơi bà Ngọc đã từng sinh sống phải tìm hiểu xem bà này là người ra sao, thân nhân như thế nào, để từ đó có cách xử lí” – bà Hòa nói.
Chưa có chế tài để xử lí những trường hợp như của bà Ngọc
Liên quan đến ý kiến trên, trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, Luật sư Phạm Hương (Công ty Luật Song Thanh) cho rằng, bà Ngọc có bệnh án tâm thần và các tài xế trong những vụ việc có liên quan phần lớn đều phủ nhận, không có đơn tố cáo nên không có cơ sở để điều tra, xử lý hình sự đối với trường hợp này.
Ngoài ra, hiện nay pháp luật Việt Nam mới chỉ quy định trường hợp chữa bệnh bắt buộc là một trong những biện pháp tư pháp hình sự trong trường hợp nghi can, bị can/bị cáo mắc bệnh tâm thần theo kết luận của cơ quan giám định pháp y. Trước 01/7/2013 thì có áp dụng biện pháp xử lý hành chính, đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc đối với gái mại dâm.
Bệnh án tâm thần của bà Ngọc. Bà này đã từng 2 lần điều trị tại bệnh viện tâm thần Hải Dương (Ảnh: CAND)
Đối với trường hợp như bà Ngọc, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định về việc bắt buộc khám bệnh hay chữa bệnh, cũng chưa có biện pháp hay bất kỳ chế tài xử lý nào đối với trường hợp này, nếu như chưa có đơn tố cáo của nạn nhân.
Trước câu hỏi của phóng viên về quy định thời gian tạm trú tại Việt Nam đối với người có quốc tịch nước ngoài, cụ thể ở đây là bà Ngọc, luật sư Hương cho biết, theo quy định tại Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam thì người nước ngoài (người không có quốc tịch Việt Nam) có thể bị rút ngắn thời hạn tạm trú trong trường hợp vi phạm pháp luật Việt Nam hoặc tạm trú không phù hợp với mục đích đã đăng ký. Đồng thời có quy định về việc Người nước ngoài bị trục xuất khỏi Việt Nam trong những trường hợp sau đây: Bị Toà án có thẩm quyền của Việt Nam xử phạt trục xuất hoặc bị Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định trục xuất.
Như vậy, trong trường hợp của bà Ngọc, nếu không thể chứng minh bà Ngọc có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam, hoặc tạm trú tại Việt Nam không đúng đăng ký khi nhập cảnh thì không có căn cứ để rút ngắn thời gian ở lại Việt Nam hoặc trục xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Như vậy, xét cả về tình và về lí, cơ quan chức năng ở Việt Nam khó có thể “làm gì” được “kiều nữ Hải Dương”. Vấn đề bây giờ nằm hết ở cánh tài xế taxi. Các tài xế phải luôn luôn tỉnh táo để nhận biết.
Ngay cả trong trường hợp người phụ nữ này mắc bệnh và có mục đích cố tình truyền bệnh cho người khác thì việc chứng minh cũng không đơn giản, khi không có, hoặc không xác định được nạn nhân.
Thật đáng lo ngại rằng, cánh tài xế taxi thường ít đọc báo, và biết đâu, sau họ, "nạn nhân" của "kiều nữ Hải Dương" lại không lan sang những người lao động tự do khác? Những người ấy, làm việc ngoài thành phố, ngoài việc lo miếng cơm ăn, có mấy khi quan tâm đến việc khác.