Chị chị Lê Thu Huyền (38 tuổi, trú tại phố Nguyên Khiết, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hiện đang làm shipper cho chị họ sống cạnh nhà. Trước đó, chị làm bưng bê tại quán karaoke nhưng đã phải nghỉ việc khi dịch Covid-19 bùng phát.
Từ khi đi ship, thu nhập của chị cũng không quá ổn định nhưng có đồng tiền mua sữa cho con, khoảng từ 50.000 đến 150.000 đồng. Chị Huyền sinh ngày 26/04/1984 và mất tới 37 năm để có thể làm được giấy khai sinh cho chính mình. Bố của chị là ông Lê Huy Sơn (sinh năm 1961) hiện đang chấp hành án phạt tù. Mẹ chị sau khi sinh con đã để chị cho ông bà nội nuôi rồi bỏ đi.
Chị Huyền chia sẻ với báo Soha: "Mẹ tôi gọi điện nói với bố là tôi sinh tại Hàng Bún, sau đấy không còn liên lạc gì với gia đình nữa". Sau khi cha về, ông lấy thêm vợ hai rồi sinh 2 đứa con cùng vợ mới. Trong những năm tháng tuổi thơ, chị Huyền thiếu tình yêu thương của bố, chị chỉ quanh quẩn ở nhà chăm em trong khi bạn bè vui đùa ngoài cổng.
Vì mẹ bỏ đi, bố đi tù nên chị Huyền cũng chẳng có giấy khai sinh – tờ giấy quan trọng nhất chứng minh sự tồn tại của một người ở trên đời. Không giấy tờ, chị Huyền cũng không được đăng ký đi học, do vậy không được đi học chính thức mà chỉ ngồi nhờ trong lớp.
Chị Huyền buồn bã: "Nhà tôi có một người quen làm giáo viên, tôi được đi ngồi nhờ đến năm lớp 4 thì nghỉ, biết được cái mặt chữ". Sau đó, năm 16 tuổi, chị Huyền yêu một người đàn ông và làm đám cưới, tuy nhiên cũng không thể đăng ký kết hôn vì không có giấy tờ tùy thân.
Năm 18 tuổi chị mang bầu và sinh con trai, thế nhưng cũng không thể khai sinh cho con vì bố mẹ không có hôn thú. Chị phải để chồng nhận con ruột làm con nuôi để được khai sinh cho bé và không ghi tên mẹ. Sau đó, đến người con thứ 2, chị lại phải chịu nỗi đau đớn ấy tới 2 lần khi tên mẹ trong khai sinh của con vẫn để trống.
Năm 2016 chị cùng bố đi làm xét nghiệm ADN để mong muốn dùng nó khai sinh, nhưng phường yêu cầu phải có người mẹ để chứng minh sự ra đời. Quyết được khai sinh, chị hỏi bố về người quen, quê của mẹ để đi tìm về khai sinh cho mình nhưng vô ích.
Việc không có giấy tờ tùy thân khiến những nơi tuyển dụng cũng không dám nhận chị. May mắn vì chị Huyền có người chồng yêu thương hết mực, nhưng sau đó anh lại mắc bạo bệnh. Chị một mình nuôi con, chăm chồng và tìm mọi cách làm giấy khai sinh. Sau nhiều năm vất vả, chị được các cán bộ tư pháp phường Phúc Tân chỉ dẫn làm hồ sơ, tạo điều kiện để được khai sinh.
Sáng 20/10/2021, chị Lê Thu Huyền nhận Giấy khai sinh lần đầu sau 37 năm chưa từng chính danh tại trụ sở UBND phường Phúc Tân. 37 năm sống cơ cực, không được đi học chính thức, không có việc làm tử tế, bươn chải đủ nghề từ quét rác, rửa bát thuê… để có tiền nuôi con.
Thời điểm có giấy tờ chứng minh sự tồn tại của bản thân, chị đã bật khóc ôm bố. Chồng chị khi ấy đã mất, không còn để hưởng niềm vui với mình. Người mẹ tự hứa sẽ lập tức đi làm căn cước, xin một công việc tử tế để có tiền cho con đến trường.
Ảnh: Tri thức trẻ