(Tinmoi.vn) Hơn 100 vụ tự tử bằng lá ngón trong thời gian 3 năm nay trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Trong đó, 78 người chết. Từ thành thị đến nông thôn, hầu hết trên địa bàn tỉnh Lai Châu đều phổ biến tình trạng này.
Những cái chết đau lòng từ lá ngón
Dựa theo thông tin do Công an tỉnh Lai Châu cung cấp, số vụ tự tử và số người bị chết do tự tử bằng lá ngón vẫn tiếp tục gia tăng. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Lai Châu, chỉ tính riêng 3 năm từ 2011 đến hết năm 2013 có 67 người chết do tự tử bằng lá ngón. Trong đó, năm 2011 có 16 người chết; năm 2012 có 23 người chết; năm 2013 có 28 người chết. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2014, đã xảy ra 9 vụ làm 11 người chết vì ăn lá ngón tự tử. Mặc dù chính quyền địa phương và lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền về tác hại của loài cây này nhưng số vụ tự tử và số người chết bằng lá ngón vẫn tăng dần qua các năm. Con số này quả thực đáng báo động.
Đã gần 3 tháng nay, ngôi nhà của bốn cha con anh Thào A Xỷ ở bản Gia Khâu I, xã Nậm Loỏng lạnh lẽo và âm u vì bị bỏ trống. Sau cái chết tức tưởi của người vợ 20 tuổi, ông bố 22 tuổi đành đưa 3 đứa con trai về sống cùng ông bà nội cho đỡ hiu quạnh và cũng để có người chăm sóc lũ trẻ. Ba đứa bé, mỗi đứa cách nhau 1 tuổi; đứa lớn nhất 5 tuổi, đứa nhỏ nhất 3 tuổi. Ở cái tuổi đó, trong ánh mắt ngây thơ và trong sáng của những đứa trẻ này, có lẽ không biết vì sao mẹ lại bỏ các em đi sớm như thế. Và có lẽ, chúng cũng chưa hiểu vì sao mẹ về đến nhà, chưa kịp ôm hết 3 anh em thì đã chết một cách đau đớn đến vậy.
Chỉ cần 3 lá ngón có thể giết chết 1 mạng người.
Chúng tôi đến nhà tâm sự hồi lâu, người đàn ông dân tộc Mông, Thào A Xỷ mới mở lời chia sẻ: “Vì nhà nghèo nên bố mẹ cho lập gia đình sớm. Vợ là Sùng Thị Dia, nhà bố mẹ nó ở sát vách nhà mình. Hai vợ chồng lấy nhau đến nay đã được 7 năm và có với nhau 3 mặt con rồi. Sự việc xảy ra vào một buổi trưa cuối năm. Tôi đi chợ phiên mua được ít thịt ngon nên gọi bố vợ đến uống rượu. Sau cuộc rượu, thấy đói nên tôi bảo vợ đi mua phở về ăn. Lúc về nó bảo không có phở nên mua mì tôm. Nghĩ vợ tiếc tiền, sẵn hơi men trong người tôi đá bay đĩa thịt, chửi nó vài câu. Thế mà nó vào rừng ăn lá ngón. Khi nó về, bảo là đã ăn lá ngón thì không cứu được nữa”.
Cách nhà Xỷ không xa có 3 đứa trẻ mồ côi... Vừa tròn hai tháng, mẹ các em là Thào Thị Dê tìm đến lá ngón để cứu rỗi bản thân khỏi sự buồn chán bởi chồng chết, kinh tế gia đình túng quẫn. Giờ đây, gánh nặng dồn lên vai người anh cả Chang A Sang, 22 tuổi. Vừa làm bố, vừa làm mẹ nuôi hai đứa em; một trai là Chang A Do, 6 tuổi, một gái là Chang Thị Dở, 8 tuổi. Cả hai đứa nhỏ đều là học sinh giỏi ở trường.
Nói về khó khăn của mình, Chang A Sang cho biết: “Trước đây, kinh tế gia đình đã khó khăn. Từ khi mẹ mất, càng khó khăn hơn. Chẳng biết em có thể nuôi cho 2 đứa nó ăn học đến khi nào nữa. Thôi thì cố được ngày nào hay ngày nấy. Chỉ tiếc, hai đứa em ham học lắm!
Em Sùng Mé Pá, dân tộc Mông tại bản Mỏ, xã biên giới Nậm Xe, huyện Phong Thổ là trường hợp may mắn khi đã được gia đình đưa đi cấp cứu kịp thời. Anh Sùng A Chô, bố em Pá cho biết, hôm ấy con tôi đi thả dê trên núi về, thấy mê man, tím tái cơ thể và lên co giật, có biểu hiện rất giống ngộ độc cây ngón. Cũng may là gia đình phát hiện sớm và đưa đi cứu chữa.
Lý do hết sức đơn giản
Bác sỹ Đỗ Văn Giang, Giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết da số đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là người dân tộc Mông thường sử dụng lá ngón để kết thúc cuộc đời bởi những lý do buồn. Lý do đôi khi hết sức giản đơn như bố mẹ mắng, làm mất trâu, chồng không cho đi chợ, không vừa lòng với người khác… cũng khiến họ sẵn sàng từ bỏ cuộc sống.
Trung tá Trần Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh cho biết them "Qua thực tế điều tra các vụ án mạng liên quan đến tự tử bằng lá ngón có muôn ngàn lý do nhưng tựu trung lại tất cả nó đều xuất phát từ những lý do đơn giản đến khó hiểu. Yêu nhau mà bị ngăn cấm là tìm đến lá ngón; vợ chồng giận nhau, cãi nhau cũng tìm đến lá ngón; kinh tế khó khăn cũng tìm đến lá ngón; bố mẹ không cho đi xem phim, không cho đi chơi chợ hay không cho lấy vợ cũng tìm đến lá ngón. Thậm chí, đi giữ trâu không may để lạc chưa tìm được cũng tìm đến lá ngón.... Già tìm đến lá ngón, trẻ cũng tìm đến lá ngón. Nữ tìm lá ngón, nam cũng tìm đến lá ngón...".
Ngoài những ca ngộ độc dẫn đến tử vong ở người lớn, cũng có một số trường hợp ăn nhầm lá ngón mà chủ yếu là trẻ em. Tập quán lâu nay của đồng bào dân tộc thiểu số là họ để con em mình tự vui chơi, tự đi vào rừng hái rau, quả để ăn. Do các em chưa biết cách phân biệt lá ngón với một số loại rau rừng khác nên đã kéo theo nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Cây ngón là một trong bốn loại có độc tính cao nhất trong y học. Nạn nhân ăn phải sẽ có triệu chứng hôn mê, suy hô hấp cấp, co giật, hạ thân nhiệt, sùi bọt mép và tử vong sau chưa đầy 1 giờ đồng hồ. Nếu đã ngộ độc thì khả năng cứu sống là rất hiếm hoi. Hiện chưa có bài thuốc nào có thể trị được độc tính của cây này, trừ khi được đưa đi cấp cứu, xử lý kịp thời - bác sỹ Giang cho biết thêm.
PV (Tổng hợp)