Chỉ sau nửa năm hoạt động, lò mổ hiện đại 35 tỷ đồng theo chủ trương kêu gọi đầu tư của tỉnh với dây chuyền giết mổ hiện đại đã phải treo biển đóng cửa vì thua lỗ nặng do những lò mổ ngoài quy hoạch luôn "phá giá", cạnh tranh không lành mạnh.
Theo tin từ Dân Trí, Thanh Niên, ngày 12/5 tại Hội nghị tiếp xúc cử tri ứng xử viên đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng nhiệm kỳ 2016 - 2021 (tổ chức tại P.8, TP.Sóc Trăng), ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, cho biết đã nắm được thông tin doanh nghiệp rao bán lò mổ vì lỗ nặng. Ông Thể yêu cầu lãnh đạo UBND tỉnh cùng các ngành chức năng phải đi thực tế để giải quyết bức xúc của chủ DN, không để DN đầu tư theo chủ trương kêu gọi của tỉnh mà lại gặp khó khăn, kinh doanh không hiệu quả.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể yêu cầu ngành chức năng kiểm tra và giải quyết vụ lò mổ gây ô nhiễm và lò mổ hiện đại "chết" trên thảm đỏ kêu gọi đầu tư. Ảnh Bạch Dương/ nguồn Dân Trí |
Theo phản ánh từ Thanh Niên, năm 2014, tỉnh Sóc Trăng quy hoạch đặt mục tiêu 100% gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung năm 2015 chấm dứt hoạt động 42 điểm giết mổ nhỏ lẻ và 3 cơ sở giết mổ nằm trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo vệ sinh thú y; nâng cấp 6 lò giết mổ không đáp ứng điều kiện nhưng nằm trong quy hoạch, di dời 4 lò mổ vào khu quy hoạch. Ngoài ra, tỉnh còn kêu gọi đầu tư mới 3 lò mổ tại TP.Sóc Trăng, H.Trần Đề và TX.Vĩnh Châu.
Theo đó, ông Lý Minh Chánh, Chủ DNTN vựa heo Tý (P.8, TP.Sóc Trăng) đã đầu tư 35 tỉ đồng xây dựng lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, có diện tích hơn 12 ha, nằm cách xa khu dân cư, đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Công suất giết mổ mỗi ngày 800 con heo, 300 trâu, bò và 3.000 con gia cầm.
Tuy nhiên khi đi vào hoạt động lò mổ của ông Chánh và nhiều lò mổ trong khu quy hoạch gặp rất nhiều khó khăn vì những lò mổ nằm ngoài quy hoạch vẫn hoạt động rầm rộ, liên tiếp phá giá ở mức thấp khiến lò mổ hiện đại chỉ hoạt động 10% công suất.
Trên Dân trí cũng ghi nhận ý kiến phản ánh bà Tiết Thị Tố Như (đại diện DNTN Vựa heo Tý) trong buổi tiếp xúc cử tri tại phường 8, Tp.Sóc Trăng cho biết: “Theo chủ trương kêu gọi đầu tư của tỉnh, doanh nghiệp chúng tôi đầu tư khoảng 35 tỷ đồng xây dựng lò giết mổ dây chuyền hiện đại này có công suất giết mổ 800 con heo, 300 trâu bò/ngày, lớn nhất khu vực ĐBSCL. Thế nhưng chỉ sau nửa năm hoạt động đã lỗ khoảng 4 tỷ đồng. Hiện nay chúng tôi đã phải treo bảng bán lò giết mổ vì mỗi ngày chỉ giết mổ được khoảng 80 con heo, mỗi tháng lỗ trên 300 triệu đồng”.
Ông Chánh chủ doanh nghiệp rao bán đất, bán lò giết mổ do thua lỗ. ẢNH: HOÀNG VÂN/ nguồn Thanh Niên |
Cũng theo trao đổi của bà Như tại buổi tiếp xúc cử tri, nguyên nhân doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, phải treo bảng bán lò mổ vì UBND tỉnh Sóc Trăng buộc một số lò mổ không đủ tiêu chuẩn, ngoài quy hoạch phải di dời trong năm 2015.
"Tuy nhiên, một số lò mổ ngoài quy hoạch, trong đó có lò mổ ở Đại Tâm nằm giáp ranh TP.Sóc Trăng, lại không được huyện Mỹ Xuyên di dời. Thậm chí, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên Đào Đắc Hùng còn có văn bản xin cho lò mổ này tồn tại hết năm 2016. Bên cạnh đó, chủ lò mổ này luôn hạ giá giết mổ khiến doanh nghiệp của bà Như cạnh tranh không được dẫn tới nguy cơ bị phá sản", thông tin bà Như phản ánh được Dân trí đăng tải.
Trao đổi trên Thanh Niên, ông Nguyễn An Thanh, Trưởng trạm thú y H.Mỹ Xuyên, xác nhận qua kiểm tra, lò mổ gia súc tại xã Đại Tâm đang giết mổ vượt công suất từ 100 - 120 con/ngày, làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường xung quanh. Trạm thú y H.Mỹ Xuyên đã đề nghị UBND huyện chỉ đạo sớm cho di dời lò giết mổ.
Dã Quỳ (tổng hợp)