Trước việc hàng loạt xà cừ cổ thụ tại một số tuyến phố của Thủ đô bỗng dưng bị lột vỏ và hứng nhiều nhát chém sâu vào thân cây thì vấn đề được nhiều người quan tâm là những đối tượng nào sẽ được hưởng lợi từ việc phá hoại cây xanh này.
Gần đây, trên nhiều thân cây dọc tuyến đường Lê Duẩn, Kim Mã và đường Láng xuất hiện tình trạng vỏ cây bị lột những mảng lớn. Nhiều cây bị lột vỏ có đường kính lên tới 70cm. Mảng vỏ cây bị lột rộng đến cả mét vuông kèm thêm những vết chém sâu vào thân.
Những vết thương sâu đã làm cây ứa nhựa, cây nhẹ thì tróc vỏ, cây nặng thì tổn thương sâu vào lớp gỗ, thậm chí có nhiều cây còn bị nhiều mảng chém khác nhau quanh thân, gốc…
Theo phản ánh của một số người dân sống tại các tuyến phố này thì việc lột vỏ cây diễn ra vào ban đêm nên khó phát hiện.
Trước sự việc trên, nhiều người nhận định có thể các đối tượng lột vỏ xà cừ để làm thuốc chữa ghẻ và vỏ này chữa bệnh ngứa ghẻ rất hiệu nghiệm. Tuy nhiên, giả định này không phù hợp với thực tế vì thời buổi hiện đại, muốn chấm dứt bệnh ghẻ thì chỉ cần ra hiệu thuốc tây sẽ dễ dàng tìm được các loại thuốc bôi công hiệu, giá thành rẻ, đâu cần phải cất công vác dao ra phố đi “vạc” vỏ cây về đun nước tắm, vừa mất công sức, thời gian, vừa mang tiếng phá hoại cây xanh đô thị.
Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội khẳng định, đơn vị không có chủ trương hay chỉ đạo lột vỏ cây
Bên cạnh đó, không ít người cho rằng đây là hành động phá hoại cây xanh có chủ đích, vì các đối tượng lột vỏ và chém hàng hoạt cổ thụ trên các tuyến phố khác nhau chứ không chỉ dừng lại ở việc phá hoại rải rác một vài cây. Hơn nữa, trong khi vụ việc triệt hạ 6.700 cây xanh ở phố phường Hà Nội vừa mới tạm lắng vì vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận và “bão” truyền thông thì việc xà cừ cổ thụ của thủ đô bỗng dưng bị “chảy máu” lại khiến dư luận đổ dồn về phía những người có kế hoạch chặt cây. Thực tế, sau khi bị lột vỏ, cây bị cắt đứt đường vận chuyển chất hữu cơ và nước nên dễ lâm vào trạng thái chết khô. Và sau đó, số phận những cây xà cừ “xấu số” này sẽ hiển nhiên được đưa vào danh mục “Cây dễ gãy đổ” và biện pháp xử lý tiếp theo là cho chặt bỏ. Lúc ấy, cây cần phải chặt bỏ chắc chắn không chỉ dừng lại ở số lượng một vài cây mà là hàng loạt, vì hiện tại, hàng xà cừ nào cũng bị lột vỏ nham nhở. Và rồi sẽ lại phát sinh chi phí chặt cây (mà theo báo chí thời gian qua thống kê thì chi phí để chặt hạ 1 cây xà cừ được xếp vào hàng đắt đỏ: là 35 triệu/cây); sẽ phát sinh thêm chi phí mua giống cây thay thế, chi phí trồng cây thay thế… Tóm lại là bài toán “chi phí” sẽ còn được các cơ quan có thẩm quyền cũng như các đơn vị liên quan tính toán để kéo dài dài.
Gạt nghi vấn việc phá hoại cây xanh có mục đích để chặt hạ cây một cách có lý do, thì xuất hiện ý kiến cho rằng có thể có một lực lượng đang muốn “đố vấy” và làm mất uy tín của Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội. Vì qua đề án chặt 6.700 cây vừa qua, niềm tin của dân chúng thủ đô đối với cơ quan quản lý này ít nhiều đã bị lung lay. Nên bây giờ, có ai đó hoặc tổ chức nào đó muốn cho dư luận hiểu lầm rằng, việc phá hoại cây xanh lần này có sự “tiếp tay” của công ty cây xanh đô thị vì không “được” chặt cây theo cách này thì họ sẽ có cách khác. Miễn là cây xanh phải bị hạ để sau này trồng mới cho đúng quy hoạch. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là võ đoán vì hiện tại, các đối tượng phá hoại cây vẫn chưa lộ diện, trong khi Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội khẳng định, đơn vị không có chủ trương hay chỉ đạo lột vỏ cây và đang cho người kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến cây.
Nhưng dù là ai chủ mưu phá hoại, ai trục lợi thì trong khi chờ đợi cơ quan chức năng tìm ra chân dung thủ phạm, xà cừ cổ thụ của thủ đô vẫn ứa nhựa và “rỉ máu” từng ngày.
Vũ Đậu