Tin mới

Malaysia công bố báo cáo chính thức về MH370

Thứ sáu, 02/05/2014, 10:44 (GMT+7)

Vào đêm chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) mất tích, các quan chức dường như không nhận ra chiếc phi cơ đã biến mất khỏi màn hình radar trong vòng 17 phút và không kích hoạt hoạt động tìm kiếm chính thức trong vòng 4 giờ.

Vào đêm chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) mất tích, các quan chức dường như không nhận ra chiếc phi cơ đã biến mất khỏi màn hình radar trong vòng 17 phút và không kích hoạt hoạt động tìm kiếm chính thức trong vòng 4 giờ.

 

Đó là hai trong số những chi tiết được nêu trong báo cáo sơ bộ do Bộ Giao thông vận tải Malaysia công bố ngày 1/5. Báo cáo này đã được gửi tới Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế, cơ quan phụ trách hàng không toàn cầu của Liên Hợp Quốc.

Trong bản báo cáo, có một vài chi tiết đáng lưu ý nói lên thiếu sót của các quan chức trong việc tìm kiếm cứu nạn chiếc phi cơ.

1. Máy bay biến mất khi nào?

Vào lúc 1 giờ 21 phút ngày 8/3, chiếc máy bay chở theo 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn trên đường tới Bắc Kinh đã biến mất khỏi màn hình radar tại Kuala Lumpur, Malaysia.

Ngay lúc đó, phi hành đoàn của chuyến bay phải liên lạc với trạm kiểm soát không lưu tại TP Hồ Chí Mính, Việt Nam, nhưng họ đã không làm điều đó. Và phải tới 17 phút sau, trạm kiểm soát không lưu ở TP Hồ Chí Minh mới yêu cầu trạm kiểm soát không lưu Kuala Lumpur cho biết chiếc máy bay đang ở đâu.

Malaysia công bố báo cáo chính thức về MH370

Thủ tướng Malaysia Najib Razak

Phóng viên hàng không của hãng tin CNN cho biết: “Chúng tôi đang nghiêng về trách nhiệm của những người không để ý phút thứ 17, những người ở Kuala Lumpur đã không thông báo hoặc không hành động”.

2. Tại sao 4 giờ sau khi máy bay biến mất mới bắt đầu tìm kiếm?

Thời gian từ lúc các quan chức nhận thấy chiếc phi cơ đã biến mất tới khi họ kích hoạt hoạt động cứu trợ chính thức là 4 giờ.
Báo cáo chỉ cung cấp một cuộc đàm thoại giữa trạm kiểm soát không lưu Việt Nam và Malaysia tại thời điểm đó mà không đưa ra bất cứ lời giải thích nào cho việc chậm trễ trên. Trạm kiểm soát không lưu TP Hồ Chí Minh nói với Kuala Lumpur rằng họ không thể thiết lập liên lạc bằng giọng nói với chuyến bay MH370.

Bốn giờ kể từ khi mất tích có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác tìm kiếm. Một quan chức của MAS cho biết, chiếc máy bay MH370 có thể đã bay 7 tiếng rưỡi trước khi hết nhiên liệu, nghĩa là chiếc phi cơ có thể vẫn tiếp tục bay trong 4 giờ đó, và cũng có thể bay thêm 2 tiếng rưỡi sau khi cuộc tìm kiếm bắt đầu.

3. Quân đội có vai trò gì?
Thủ tướng Malaysia cho biết, radar quân đội nước này đã theo dõi chuyến bay khi nó quay đầu bay trở lại Malaysia.

Theo báo cáo, một đoạn ghi âm từ radar quân sự tiết lộ một chiếc máy bay có thể là MH370 đã chuyển hướng về phía tây, bay qua bán đảo Malaysia. Khu vực tìm kiếm sau đó đã được chuyển về khu vực eo biển Malacca. Tuy nhiên, không rõ thời điểm chuyển hướng là khi nào. Báo cáo không đề cập tới vai trò của quân đội trong đêm MH370 biến mất.

4. Đâu là những chi tiết chính?

So với các báo cáo sơ bộ về việc điều tra các chuyến bay lớn gần đây, báo cáo của Malaysia vừa phát hành có rất ít thông tin.
Báo cáo sơ bộ của chuyến bay mất tích tương tự là chuyến bay 447 của hãng hàng không Air France dài 128 trang. Báo cáo được Cơ quan An toàn Hàng không Pháp công bố chỉ 1 tháng sau khi chiếc phi cơ biến mất. Đồng thời nó cũng cung cấp chi tiết cụ thể về thông tin liên lạc giữa các trung tâm kiểm soát không lưu khác nhau.

Tương tự, một báo cáo sơ bộ của Cục An toàn Giao thông Australia về động cơ nổ Qantas cũng dài 40 trang bao gồm cả sơ đồ và biểu đồ.
Phóng viên Quest nhận định: “Tôi có thể hiểu rằng các nhà chức trách có nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết trong việc tìm kiếm máy bay và không có thời gian viết một báo cáo dài. Tuy nhiên, báo cáo mà họ vừa công bố hầu như rất sơ sài”.

5. Tranh luận về sự minh bạch

Báo cáo Malaysia đưa ra ngày 1/5 giống hệt với báo cáo mà quốc gia này đã đệ trình lên Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế trước đó, nhưng không được công bố rộng rãi. Các quan chức Malaysia đã hứng chịu sự chỉ trích nặng nề khi đệ trình báo cáo này lên Liên Hợp Quốc mà không thông báo với thân nhân của các hành khách trên máy bay.

Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia Najib Razak chấp thuận cho các cơ quan chức năng không cần thiết phải công khai một bản báo cáo sơ bộ. Các phóng viên đã không thể đặt ra câu hỏi về báo cáo kể từ khi tài liệu được phát hành qua e-mail và không phải trong một cuộc họp báo.

6. Khuyến cáo về an toàn cho các chuyến bay

Báo cáo đã đưa ra một khuyến cáo về an toàn cho các chuyến bay: sự cần thiết của việc theo dõi thời gian thực.
Các cơ quan chức năng nhận thấy rằng, trong khi các máy bay thương mại hoạt động chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa thì vẫn chưa có yêu cầu về theo dõi thời gian thực đối với loại máy bay này.

Theo báo cáo của Malaysia, “trong vòng 5 năm qua đã có hai trường hợp máy bay vận tải thương mại cỡ lớn bị mất tích và địa điểm cuối cùng ghi nhận về chúng đều không được biết chính xác. Chính sự không rõ ràng này dẫn đến khó khăn rất lớn trong việc xác định vị trí chiếc máy bay một cách kịp thời”.

Theo Khám phá

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news