Mao Trạch Đông có nói với Nixon rằng: “Thực ra, quan hệ giữa tôi và ông ấy vốn lâu hơn các ông rất nhiều”. Tưởng Giới Thạch đã suy nghĩ rất lâu về câu nói này của Mao Trạch Đông.
Lời mời cuối đời đến thăm Đài Loan của Tưởng Giới Thạch
Sự bùng phát của “đại cách mạng văn hóa” đã một lần nữa cắt đứt liên lạc giữa hai Đảng. Sau khi được nghe báo cáo về tình hình cực đoan đang diễn ra tại đại lục, nghi ngờ của Tưởng Giới Thạch đối với Đảng Cộng sản càng sâu sắc hơn. Năm 1968, Tưởng Giới Thạch vô cùng tức giận khi nghe tin một số hồng vệ binh đã đến tàn phá Khê Khẩu-quê hương của Tưởng Giới Thạch. Ông đã từng nói với con cháu mình rằng: “Mãi mãi không được quên mối thù này, phải lập nên đại nghiệp vì nhà vì đất nước, vừa để vinh danh dòng họ, vừa để báo thù cho gia đình”. Nhưng, không lâu sau đó, ông nghe tin Chu Ân Lai đích thân ra mặt đẻ bảo vệ tất cả tài sản, nhà cửa và phần mộ tổ tiên tại quê hương Khê Khẩu của ông. Khi ấy, trong lòng Tưởng Giới Thạch lại nhen nhóm tình cảm biết ơn đối với tầng lớp lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản.
Trong những năm cuối đời, Tưởng Giới Thạch tưởng nhớ lại quãng thời gian ông sống ở đại lục, trăn trở về việc liên lạc với đại lục. Ngày 21/2/1972, một tháng trước ngày Tưởng Giới Thạch kết thúc nhiệm kì làm “tổng thống” lần thứ 5, Mao Trạch Đông đã gọi Tưởng Giới Thạch là “ông bạn già” trong một buổi hội kiến với tổng thống Mỹ Richard Nixon lúc bấy giờ. Thông tin này được lưu truyền lại rất lâu tại Mỹ và Hongkong. Điều mà Tưởng Giới Thạch chú ý là, Mao Trạch Đông có nói với Nixon rằng: “Thực ra, quan hệ giữa tôi và ông ấy vốn lâu hơn các ông rất nhiều”. Tưởng Giới Thạch đã suy nghĩ rất lâu về câu nói này của Mao Trạch Đông.
Khi đó, Tưởng Giới Thạch đang bị cô lập hoàn toàn. Trên trường quốc tế, không gian hoạt động của Đảng Cộng sản ngày càng lớn, hoạt động quốc tế của Đài Loan ngày càng bị thu hẹp. Tổng thống Mỹ hay thủ tướng Nhật Bản đều chỉ đến thăm đại lục. Trong tình hình này, Tưởng Giới Thạch do dự đối với việc liên lạc với Đảng Cộng sản. Ông cho rằng, nếu chủ động liên lạc với phía đại lục không khác nào đầu hàng. Khi mà Tưởng Giới Thạch còn đang do dự, phía Đảng Cộng sản đã áp dụng hàng loạt các hành động mang tính chủ động.
Trong đại lục, Trung ương Đảng đã khôi phục lại hoạt động kỷ niệm “28-2” (Sự kiện nổi dậy chống chính quyền Quốc dân Đảng của người dân Đài Loan năm 1947). Liêu Thừa Chí đã ra mặt và phát biểu trong lễ kỉ niệm. Trong bài phát biểu, Liêu Thừa Chí đã nhấn mạnh rằng “yêu nước đều là người một nhà, không phân biệt trước sau” “Hoan nghênh người dân Đài Loan đến thăm quan, kết bạn với người dân lục địa, chúng tôi sẽ đảm bảo sự an toàn cho các bạn”. Năm 1975, phía Đảng Cộng sản đã ra lệnh đặc sá cho hàng trăm tội phạm chiến tranh của Quốc dân Đảng, còn tạo cơ hội việc làm cho một số người trong đó. Những người còn lại có thể tự do lựa chọn muốn lưu lại đại lục hay quay về Đài Loan.
Sau khi nghe xong những thông tin này, Tưởng Giới Thạch rất khâm phục thiện ý này của Mao Trạch Đông, nhưng vẫn không thực hiện bất cứ hành động chủ động nào. Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất là do Tưởng Giới Thạch vẫn chưa tìm được người liên lạc thích hợp, vì Tào Tụ Nhân đã mất vào năm 1972.
Đúng lúc đó, Mao Trạch Đông đã cử người đến. Người được Mao Trạch Đông tín nhiệm lần này là Chương Sĩ Chiêu. Chương Sĩ Chiêu cũng là một người có giao tình tốt đẹp với các lãnh đạo hai Đảng, nhưng ông thường làm việc cùng Đảng Cộng sản tại đại lục, trước giờ chưa hề có liên lạc với Tưởng Giới Thạch. Nhưng với uy tín trước đây của mình, khi đến Đài Loan, ông vẫn nhận được sự tiếp đón nồng nhiệt của Tưởng Giới Thạch.
Vào thời điểm đó, Chương Sĩ Chiêu đã 92 tuổi, hơn nữa, thân mang trọng bệnh. Nhưng ông vẫn đồng ý làm người liên lạc hai bờ khi chấp nhận sự nhờ cậy của Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai. Để đảm bảo sức khỏe cho Chương Sĩ Chiêu, Chu Ân Lai đã đặc biệt cử bác sĩ, y tá, vệ sĩ, thư kí, đầu bếp đi cùng chăm sóc cho Chương Sĩ Chiêu.
Tháng 5 năm 1973, Chương Sĩ Chiêu đáp chuyến bay tới Hongkong. Sau khi đến Hongkong, ông nhanh chóng liên lạc với những người bạn cũ để tìm cách nối lại liên lạc với phía Quốc dân Đảng. Sau một thời gian nỗ lực, cuối cùng Chương Sĩ Chiêu đã có thể liên lạc lại được với phía Quốc dân Đảng. Khi ấy, Chương Sĩ Chiêu đã vui mừng cử con gái mình là Chương Hàm Chi về nước báo tin cho Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai. Nội dung chủ yếu là ông đã có thể liên lạc với phía bên kia, và ông sẽ ở lại Hongkong nhiều nhất ba tháng để hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng, do cố gắng quá sức dẫn đến mệt mỏi và không được nghỉ ngơi đầy đủ, Chương Sĩ Chiêu đã mất ngày 1/7 tại Hongkong. Vì sự ra đi của Chương Sĩ Chiêu, việc liên lạc của hai bờ đương nhiên chưa thể tiếp tục.
Nhưng, Tưởng Giới Thạch chưa từ bỏ nỗ lực nối lại liên lạc giữa hai bên. Chưa tìm được người liên lạc thích hợp, Tưởng Giới Thạch đã sử dụng một phương thức đặc biệt để gửi tín hiệu cho phía đại lục. Sau mùa xuân năm 1975, Tưởng Giới Thạch bí mật đến tìm nguyên lão Trần Lập Phu, nhờ ông báo với đại lục rằng Tưởng Giới Thạch muốn mời Mao Trạch Đông đến thăm Đài Loan. Mao Trạch Đông vô cùng vui mừng như nhận được thông tin này. Nhưng, do sức khỏe của Mao Trạch Đông không tốt, Chu Ân Lai cũng mang trọng bệnh nên cả hai đều không thể đích thân đến thăm Đài Loan.
Mao Trạch Đông tìm đến Đặng Tiểu Bình, đích thân nhờ cậy Đặng Tiểu Bình: Ông hãy thay tôi đến thăm Đài Loan, hai bên có thể lấy đây là cái cớ để thực hiện việc “hợp tác lần ba”. Sau khi biết tin Mao Trạch Đông cử Đặng Tiểu Bình sang thăm Đài loan, nguyên lão Trần Lập Phu vô cùng vui mừng. Để phối hợp sự liên lạc giữa hai bên, Trần Lập Phu còn cho đăng bài viết với tiêu đề “Nếu tôi là Mao Trạch Đông”. Trong bài, ông có viết: “Hoan nghênh Mao Trạch Đông hoặc Chu Ân Lai tới thăm Đài Loan nối lại đàm phán với Tưởng Giới Thạch, tạo phúc cho nhân dân”. Ông còn nói: hy vọng Mao Trạch Đông “dựa trên tiền đề hai Đảng đã hợp tác kháng Nhật để phát triển cục diện mới cho hai Đảng”. Nhưng, trong khi Trần Lập Phu nỗ lực tìm kiếm cách liên lạc với phía đại lục, Tưởng Giới Thạch đã qua đời do bệnh nặng vào ngày 5/4/1975. Việc liên lạc giữa hai bên lại một lần nữa bị gián đoạn.
Nghiêm Thu (Duowei)