Tin mới

Mặt trái của kỹ năng làm nhiều việc cùng lúc

Thứ ba, 08/11/2016, 16:15 (GMT+7)

Đặt trong cuộc sống bận rộn với những vòng xoay không ngừng, rất nhiều người đã và đang cố gắng học cách làm chủ kỹ năng thực hiện nhiều việc cùng lúc (Multitask).

Đặt trong cuộc sống bận rộn với những vòng xoay không ngừng, rất nhiều người đã và đang cố gắng học cách làm chủ kỹ năng thực hiện nhiều việc cùng lúc (Multitask). Tuy nhiên các nghiên cứu mới đây lại chỉ ra rằng kỹ năng tưởng chừng đem lại lợi ích này thực ra lại đang gây ảnh hưởng xấu tới trí não mỗi người.

1. Não không nên tiếp nhận quá nhiều vấn đề cùng một lúc

Não bộ con người chỉ thích hợp tập trung vào từng thứ một, nên nhiều thông tin dồn dập cùng lúc có thể khiến khả năng tiếp nhận và phân tích bị trì trệ.

Nhà nghiên cứu hệ thần kinh Earl Miller cho rằng trí não con người không thể suy nghĩ nhiều việc cùng thời điểm, mà thực chất là nó đang cố gắng chuyển sự quan tâm từ việc này sang việc kia một cách nhanh chóng. Và mỗi lần như vậy, vô hình trung nhận thức và não bộ chúng ta lại bị ảnh hưởng một phần không nhỏ, thậm chí có thể tạo nên những thói quen nguy hại nếu việc này kéo dài liên tục.

Tiếp nhận nhiều công việc cùng lúc dễ gây ra nhiễu loạn, lộn xộn thông tin

Khi hoàn thành một việc nhỏ, như gửi xong email, trả lời xong tin nhắn hay post xong một câu tweet, não chúng ta nhận lại được một lượng lớn hooc môn hạnh phúc doparmine, và dĩ nhiên, chúng ta lại hứng thú chuyển nhanh sang những việc nhỏ nhỏ khác như vậy. Cứ như thế chúng ta ngỡ đã làm được cả tấn công việc, nhưng thực tế khi kiểm tra lại kết quả lại chẳng được bao nhiêu. Điều này gây ra thói quen chú trọng làm những thứ vặt vãnh, thậm chí vô bổ, mà quên đi tập trung cho những dự án, nhiệm vụ quan trọng hơn.

2. Giảm chất lượng, hiệu quả công việc

Khi cùng suy nghĩ và tiếp nhận nhiều vấn đề một lúc, chúng ta dễ bị nhiễu loạn thông tin, khiến cho việc phân tích và xử lý dữ liệu trở nên khó khăn, lộn xộn. Điều này được lý giải bởi sự tập trung quá lâu vào những sự việc khác nhau gây nên mệt mỏi, thậm chí kiệt sức đối với khả năng làm việc của não bộ. Dễ hiểu stress sẽ xảy ra liên miên và ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ xử lý, làm giảm sút chất lượng và hiệu qủa công việc.

3. Tổn thương nghiêm trọng và kéo dài

Các nghiên cứu gần đây cảnh báo những tác hại mà multitask gây ra có thể kéo dài mãi mãi. Thiết bị MRI (cắt lớp) của trường đại học Sussex (Anh) quét trên bộ não của những người tập trung cùng lúc nhiều thiết bị (như vừa xem ti vi, vừa nhắn tin, hoặc dùng máy tính) và kết luận mật độ thấp hơn hẳn của não bộ trên vỏ não vành trước – nơi điều khiển cảm xúc và tư duy.

Chỉ số IQ và EQ đều bị ảnh hưởng nếu tiếp tục multitasking

Một nghiên cứu khác của trường Đại học Luân Đôn chỉ ra rằng những đối tượng vừa suy nghĩ, vừa thực hiện nhiều việc trong cùng thời điểm rất dễ bị suy giảm chỉ số IQ, do trí não quá mệt mỏi và kiệt sức. Điều này xảy ra tương tự với những người hay “cú đêm” hoặc thường xuyên dùng chất kích thích. Đối với người trưởng thành, kỹ năng multitasking này có thể lấy đi 15 điểm trong chỉ số IQ và mang nhận thức tương đương đứa trẻ 8 tuổi. Tác hại này đâu có thể dễ dàng khắc phục, gây hậu quả nghiêm trọng cho nhận thức, hành động và cuộc sống.

Tóm lại, multitasking bản chất không phải là một kỹ năng nên được học và tích lũy nếu chúng ta muốn phát triển tối đa sự nghiệp và cả đời sống tinh thần. Hãy bình tĩnh, hít thở thật sâu, và bắt tay vào làm từng việc một. Hoàn thành xong việc này rồi vui vẻ đón nhận những dự án mới mới là cách tối ưu để có sản phẩm chất lượng mà vẫn giữ được tinh thần hứng khởi và sảng khoái.

Ka Linh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news