Mặt trăng lẽ ra không có rỉ sét bởi đây là oxit sắt, cần phải có oxy và nước để xảy ra tình trạng này. Bạn sẽ nghĩ một thiên thể khô và hoàn toàn không có oxy như Mặt trăng thì sẽ không có bất cứ vết rỉ sét nào. Nhưng thực tế là có. Các nhà khoa học đang cố gắng để tìm hiểu nguyên nhân.
Ảnh: CNET
Một nghiên cứu mới được công bố trên Science Advances đã thu thập dữ liệu từ tàu quỹ đạo Chandrayaan-1 của Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ. Họ phát hiện ra đá tại các cực của Mặt trăng có thành phần khác biệt với những khu vực khác. Shuai Li, tác giả chính của nghiên cứu cho biết khi xem xét kỹ hơn, họ phát hiện ra đó là hematit, một loại sắt oxit phổ biến. Nói đơn giản thì đó là rỉ sắt. Ông đã liên hệ với các nhà khoa học và Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực NASA để xác nhận phát hiện này.
"Lúc đầu, tôi hoàn toàn không tin điều này. Nó lẽ ra không tồn tại dựa trên những điều kiện hiện có trên mặt trăng", nhà khoa học Abigail Fraeman của JPL cho biết. "Nhưng kể từ khi chúng tôi phát hiện ra nước trên Mặt trăng, mọi người suy đoán trên này có nhiều khoáng chất hơn chúng ta thấy nếu như nước đó phản ứng với đá".
>> Xem thêm: Đây là nơi chúng ta nhìn thấy được 'tương lai' trên Trái đất
Vậy tại sao Mặt trăng lại có hiện tượng rỉ sét? Có một số yếu tố nhưng Trái đất cũng là một phần nguyên nhân.
Đầu tiên là nước, nó tồn tại trên Mặt trăng với lượng rất nhỏ. Nước băng tồn tại trong các miệng núi lửa trên đó nhưng lại ở rất xa nơi có rỉ sét. Giả thuyết hiện tại được đưa ra là các hạt bụi thường va vào Mặt trăng giúp giải phóng phân tử nước, trộn các phân tử nước đó với sắt trên bề mặt.
Sau đó là oxy, lúc này, Trái đất sẽ góp phần. Nhờ tồn tại ở gần Trái đất nên Mặt trăng đóng vai trò như vật chủ hút lấy một lượng oxy từ tầng cao của bầu khí quyển của chúng ta. Li phát hiện ra phía bề mặt đối diện với Trái đất của Mặt trăng có nhiều rỉ sét hơn những khu vực khác. Ông tin rằng quá trình này xảy ra trên Mặt trăng hàng tỷ năm.