Nga không có ý định tiếp tục thờ ơ với quá trình "hội nhập" quân sự cực kỳ nguy hiểm của Mỹ, và cũng đang tìm kiếm đồng minh.
Tin tức từ hãng tin Sputnik cho hay, Mỹ mới đây đã triển khai các máy bay chiến đấu đa năng mới nhất F-22 Raptor tới châu Âu.
Việc điều động trên được thực hiện theo sáng kiến nhằm tăng cường an ninh cho các đồng minh của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), được công bố năm 2014, liên quan đến tình hình Ukraine.
Máy bay chiến đấu F-22 |
Hãng tin TASS dẫn lời Tư lệnh Lực lượng Không quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi, Tướng Frank Gorenko cho biết hôm 28/8, bốn máy bay F-22 sử dụng công nghệ "tàng hình" đã đến Căn cứ không quân Spangdahlem, miền Tây nước Đức.
Theo Tướng Gorenko, đợt triển khai đầu tiên F-22 là nhằm tạo điều kiện để Mỹ phối hợp sử dụng loại máy bay chiến đấu mới nhất này với các máy bay khác của Không quân Mỹ, các đối tác và thành viên khác của NATO.
Ông Gorenko nhấn mạnh rằng việc triển khai các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 này ở châu Âu đã tái khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của Mỹ nhằm đảm bảo an ninh của các đồng minh.
Theo viên tướng Mỹ, cuộc triển khai đầu tiên các máy bay chiến đấu thế hệ mới nhất là nhằm tạo điều kiện để Hoa Kỳ sử dụng chúng phối hợp với các máy bay khác của Không lực Hoa Kỳ ở châu Âu như F-15, F-16…, và chiến đấu cơ của các đối tác và thành viên khác của NATO.
Chiến đấu cơ đa năng thế hệ thứ năm F-22 Raptor là sản phẩm do tập đoàn Boeing và Lockheed Martin chế tạo, áp dụng công nghệ tàng hình và được đưa vào Không lực Hoa Kỳ từ năm 2005.
Năm ngoái, lần đầu tiên Hoa Kỳ đã lần đầu tiên triển khai loại máy bay này để tiến hành các hoạt động quân sự, trong chiến dịch không kích chống các nhóm chiến binh của “Nhà nước Hồi giáo” ở Iraq và Syria. Tuy nhiên, không quân Mỹ không thông báo chi tiết về hiệu quả chiến đấu của nó.
Mới đây, vào hôm 20/8, NATO cũng vừa khánh thành Trung tâm Truyền thông chiến lược của khối này ở Riga-thủ đô của Latvia, vốn thực tế đã đưa vào hoạt động được một năm. Mục đích của trung tâm là điều phối công việc của NATO, đảm bảo công tác chuẩn bị các chiến dịch thông tin và tâm lý của liên minh.
Việc NATO xây dựng trung tâm truyền thông tại một quốc gia Baltic, có đường biên giới giáp Nga (thực tế đã được sử dụng trong một năm qua) khiến Nga cho rằng, đây là động thái nhằm tăng cường tuyên truyền chống lại nước này.
Và không cần đợi đến lúc Mỹ thực sự đưa F-22 tới châu Âu, Nga mới đưa ra phản ứng. Thực tế, người Nga đã dự liệu trường hợp này từ lâu.
Theo các chuyên gia Nga, Mỹ đã chuyển giao cho các nước Đông Âu thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gần 2.000 thiết bị quân sự hạng nặng. Theo đánh giá, số vũ khí này đủ cho cuộc tàn sát bằng xe bọc thép như trận Prokhorovka.
Về mặt pháp lý, người Nga đã có phản ứng rõ ràng rằng Hiệp ước về lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu đã bị vi phạm cùng với các thiết bị quân sự và vũ khí đang tiến vào các quốc gia từng thuộc Liên Xô trước đây, và nay đã trở thành thành viên của NATO.
Về mặt quân sự, người Nga tiếp tục phát triển các loại vũ khí nhằm khắc chế vũ khí Mỹ và đồng minh như UAV săn máy bay tàng hình, các hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa, máy bay MiG 1.444 thế hệ 5, máy bay tàng hình T-50, các loại xe bọc thép thế hệ mới…
Báo Độc lập của Nga nói rằng Nga không có ý định tiếp tục thờ ơ với quá trình "hội nhập" quân sự cực kỳ nguy hiểm của Mỹ, và cũng đang tìm kiếm đồng minh.
Đây là lý do Bộ Quốc phòng Nga tổ chức cuộc thi quân sự quốc tế "Army 2015" trong các ngày từ 1-15/8. Cuộc thi "Army 2015" diễn ra tại nhiều địa phương của Nga và thu hút sự tham gia của 57 đội thi tới từ 17 quốc gia, như Angola, Venezuela, Trung Quốc, Armenia, Kazakhstan, Pakistan, Belarus, Ai Cập...
Dù đây là một “cuộc thi” song trên thực tế giống như các cuộc tập trận quy mô lớn nhằm đáp lại những hành động củng cố liên minh quân sự của phương Tây. Đây chính là một trong những cách Nga tìm kiếm liên Minh Quân sự-chính trị cho mình.
Ngoài ra, người Nga cũng không ngần ngại đáp trả việc Mỹ âm thầm tăng cường kho vũ khí hạt nhân. Theo báo chí Nga, kể từ khi ưu thế quân sự đối với các loại vũ khí thông thường thuộc về phương Tây, giới lãnh đạo Nga đã cho thấy Nga sẽ không "khách khí" trong việc lựa chọn biện pháp tự vệ.
Nga sẽ không thể hạn chế việc sử dụng các kho vũ khí hạt nhân chiến thuật và bởi vậy, chỉ có thể hy vọng rằng nếu các bên cư xử như "những quý ông" thì cuộc chiến tranh hạt nhân hạn chế ở cấp độ chiến thuật sẽ không xảy ra.
[mecloud]OEFdl1w1Vc[/mecloud]
Thanh Ngọc