Trong thời gian tới, thế giới sẽ tốn giấy mực trước tin Trung Quốc chỉ tăng ngân sách quốc phòng năm nay lên một con số - lần đầu tiên kể từ năm 2010.
Việc Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự đã là một mối quan tâm lớn trên toàn thế giới trong 5-10 năm qua với lý do khá rõ ràng: Bắc Kinh đang có "một khóa học cấp tốc" để phát triển các khả năng quân sự của mình sao cho phù hợp với tình trạng mới: nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Phân tích mức độ chi tiêu tổng thể sẽ mang lại cho các nhà nghiên cứu những chỉ số tốt về khả năng, ý định và định hướng tương lai của quân đội Trung Quốc.
Nhưng tại sao chúng ta nên quan tâm nếu chi tiêu quân sự của Trung Quốc không tăng cực nhiều như những năm qua? Điều này có vấn đề gì?
Trong bài viết đăng trên tạp chí National Interest, tác giả Harry J. Kazianis đã đưa ra 4 lời giải thích. Những điều này kết hợp với nhau hoặc từng cái sẽ lý giải tại sao Trung Quốc quyết định làm chậm chi tiêu - minh chứng rõ ràng tại sao việc làm chậm như vậy là vấn đề thực sự.
Đầu tiên, nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, và rất có thể còn hơn những gì mà các "người đếm hạt đậu" của Trung sẵn sàng thừa nhận. thị trường chứng khoán Trung Quốc "sập sàn". Bắc Kinh đã chi hàng tỷ đô la để giữ ổn định cho đồng nhân dân tệ. Đồng thời, Trung Quốc đang cố tái cấu trúc nền kinh tế của mình, tập trung vào tiêu thụ nội địa và các ngành công nghiệp dịch vụ trong khi việc phát triển các thương hiệu toàn cầu - chống lại việc đơn giản chỉ là một công xưởng của thế giới - không thể thực hiện được khi dựa vào lượng lao động ngày càng bị thu hẹp, già đi và đòi hỏi lương cao hơn. Bạn không thể cố tái cấu trúc một nền kinh tế khổng lồ, hàng chục nghìn tỷ đô la ở quy mô lớn trong khi xây dựng thêm ngày càng nhiều vũ khí quân sự - lịch sử cho thấy điều này không có kết quả tốt.
Quân đội Trung Quốc. Ảnh: Wikimedia Commons/Voice of America |
Thứ hai, Trung Quốc chủ yếu đạt được một trong những mục tiêu hiện đại hóa quân sự chính của mình: có thể tranh giành với Mỹ hoặc sự can thiệp từ đồng minh của Mỹ tới bất cứ lợi ích lãnh thổ cốt lõi nào (đó là Đài Loan, Biển Đông và biển Hoa Đông). Các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc cảm thấy rất thoải mái khi nhấn mạnh rằng họ có thể gây thiệt hại lớn cho bất cứ đội quân nào trên biển hoặc trên không nếu chiến sự xảy ra ở những khu vực rất quan trọng đối với Bắc Kinh. Nhờ sự đầu tư lớn của Trung Quốc vào các vũ khí chống truy cập/chống tiếp cận (A2/AD) và các mạng lưới chiến đấu lớn hơn, các tàu sân bay, tàu bề mặt và những tài sản trên không của Mỹ có khả năng sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề khi giao tranh tại vùng nước xung quanh vùng biển của Trung Quốc. Xem xét số lượng lớn bom mìn, tên lửa, tàu ngầm, các khẩu đội pháo phòng không đang sẵn sàng cũng như hoạt động xây đảo trái phép mà Bắc Kinh thực hiện vài năm qua thì khả năng mà Trung Quốc thực sự cần để canh phòng tất cả các lối vào chuỗi đảo thứ nhất, thậm chí thứ hai nhiều như thế nào?
Hơn nữa, khi mà cần mất nhiều năm để vận hành thành thạo các loại vũ khí mới - bạn không thể bắn những tên lửa diệt hạm hay đưa các tàu ngầm tiên tiến đi vào hoạt động mà không trải qua sự huấn luyện đáng kể - việc Trung Quốc ngừng chi tiêu rõ ràng là hợp lý. Bắc Kinh có thể chỉ đơn giản cần nín thở và sử dụng thành thạo những gì mình có. Hãy nhớ là Trung Quốc đã không tham gia vào cuộc chiến lớn nào kể từ năm 1979.
Thứ ba, bước tiếp theo trong hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc sẽ là khó hoàn thành nhất và cần được hoãn lại trong thời gian xem xét tình trạng của nền kinh tế. Việc triển khai lực lượng viễn chinh trên toàn cầu sẽ không hề rẻ và sẽ mất vài thập kỷ để thực hiện. Trong khi đây là một mục tiêu dài hạn thì các quan chức quân đội Trung Quốc dường như đang tìm cách để đưa Trung Quốc từ sân sau tới phát triển lực lượng chiến đấu đáng tin cậy vào năm 2049. Để làm được điều này thực sự tốn kém.
Và cuối cùng, cũng là quan trọng nhất đó là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bắt tay vào tổ chức lại quân đội nước này. Kế hoạch này được tuyên bố lần đầu vào ngày 3/9/2015, ông Tập sẽ cắt giảm 300.000 binh sĩ vào năm 2017, hầu hết là những nhân viên không tham gia chiến đấu. Đồng thời, Bắc Kinh đang lên kế hoạch phát triển thêm lực lượng chiến đấu thống nhất hơn, hợp nhất 7 khu vực quân sự xuống còn 5. Ông Tập cũng có kế hoạch tổ chức lại lực lượng vũ trang thành 5 chi nhánh theo cấu trúc chỉ huy chung, tương tự như Mỹ.
Điều này có thể đưa ra lời giải thích lớn nhất duy nhất cho việc giảm chi tiêu quân sự của Trung Quốc. Ông Felix Chang, học giả cấp cao tại Viện nghiên cứu Chính sách Ngoại giao đã giải thích với tờ Bloomberg rằng: "Rất nhiều năng lượng được giành để tìm ra ai chỉ huy ai, ai hỗ trợ ai và quan trọng nhất ai là người kiểm soát ngân sách?".
Vì vậy, cuối cùng, Trung Quốc có hàng loạt lsy do để làm chậm tăng chi tiêu quốc phòng - tất cả đều quan trọng, rõ ràng cho thấy tốc độ tăng trưởng như vậy lại có vấn đề.
Bảo Linh (National Interest)