Ngày nay, trong sử sách Trung Quốc ghi nhận rất nhiều mỹ nữ thời cổ đại. Trước đó, ngoài Đát Kỷ đời Thương còn có một mỹ nhân khác là Hạ Cơ, công chúa nước Trịnh thời Xuân Thu. Nàng được công nhận là một mỹ nhân, dung mạo không tuổi, đẹp khuynh quốc khuynh thành nhưng lại có bản tính lăng nhăng có tiếng trong lịch sử.
Khoảng năm 640 trước Công nguyên, Trịnh Mục Công, vua nước Trịnh cùng thiếu phi Diêu Tử hạ sinh con gái Hạ Cơ. Cô bé chào đời đã có lông mày hình lưỡi liềm và đôi mắt phượng vô cùng xinh đẹp. Hạ Cơ ban dầu lấy Tử Man nhưng chưa tới 3 năm thì người đàn ông qua đời. Sau đó, nàng được gả cho Hạ Ngự Thúc, một lang trung ở nước Trần. Cái tên Hạ Cơ bắt nguồn từ đây (người phụ nữ họ Cơ lấy chồng họ Hạ nên ghép lại sẽ là Hạ Cơ). Ở với Hạ Ngự Thúc chưa đầy 3 tháng, Hạ Cơ đã Hạ Trưng Thư.
Nhưng không lâu sau đó, Hạ Ngự Thúc cũng qua đời vì bệnh tật. Khi ấy, Hạ Cơ còn chưa đến 30 tuổi, có rất nhiều lời đàm tiếu về cô, một góa phụ quyến rũ và mê hoặc. Sau khi chồng qua đời, Hạ Cơ lần lượt gian díu với 2 quan trong triều đình nước Trần là Khổng Ninh và Nghi Hàng Phủ. Khổng Ninh thậm chí còn giới thiệu Hạ Cơ với quốc vương lúc bấy giờ là Trần Linh công. Cả 3 người tự hào khi nhận được nội y do Hạ Cơ tặng, cười nói vui vẻ trong triều.
Có phải Hạ Cơ quyến rũ họ vì cô không thể chịu đựng được sự cô đơn của một góa phụ, hay đám đàn ông này đã thèm muốn vẻ đẹp của Hạ Cơ từ lâu, bắt cô phải phục tùng? Dù sao Hạ Cơ cũng có một đứa con trai còn nhỏ, lại gian díu với 3 người đàn ông cùng lúc, tạo nên vụ bê bối lớn thời Xuân Thu.
Đến khi trưởng thành, Hạ Trưng Thư kế thừa tước vị của cha mình, trở thành Tư mã của nước Trần. Trong một lần Hạ gia mở tiệc mời cả Trần Linh công, Khổng Ninh và Nghi Hàng Phủ đến nhà, sau khi quá chén, 3 gã đàn ông hiện nguyên hình. Trần Linh Công nói đùa rằng Hạ Trưng Thư lớn lên giống Khổng Ninh và Nghi Hàng Phủ. Hai người còn lại cũng không biết xấu hổ đùa lại rằng Hạ Trưng Thư dũng mãnh, uy nghiêm giống như Trần Linh công. Sau đó, 3 người cùng phá lên cười.
Hạ Trưng Thư lớn lên quả thực anh dũng, ngay thẳng. Chàng không hài lòng với hành vi dâm đãng của mẹ mình và 3 gã đàn ông này từ lâu. Giờ đây, chàng và người cha đã khuất lại bị những kẻ này đem ra làm trò cười nên rất phẫn nộ. Đêm hôm đó, Hạ Trưng Thư phục kích bắn chết Trần Linh Công. Khổng Ninh và Nghi Hàng Phủ hoảng sợ, bèn chạy thoát qua nước Sở. Cuộc đảo chính này có thể là bộc phát hoặc đã được tính toán từ trước. Có lẽ Hạ Cơ đã mệt mỏi với 3 người đàn ông vô liêm sỉ này nên chỉ đạo con trai thực hiện cuộc tử chiến đầy kịch tính này. Tuy nhiên, việc thả Khổng Ninh và Nghi Hàng Phủ lại gieo rắc tai họa sau này.
Năm 598 trước Công nguyên, Sở Trang vương đã dẫn quân tấn công nước Trần, tiêu diệt Hạ Trưng Thư. Sau đó, Hạ Cơ bị bắt đưa về nước Sở. Lúc này, Hạ Cơ dù khoảng 40 tuổi nhưng vẫn đẹp động lòng người. Sở Trang vương thấy bà liền muốn nạp phi tần. Tuy nhiên, bầy tôi của Sở Trang vương là Khuất Vu đã ngăn lại. Sau dó, Lệnh doãn Tử Phản khi thấy Hạ Cơ cũng mê đắm, muốn nạp làm kế thất. Khuất Vũ cũng lên tiếng can ngăn. Ông nói rằng người đàn bà này hại chết chồng con, tình nhân, rõ ràng là hồng nhan họa thủy. Cả 2 người đàn ông nghe vậy đều không dám rước Hạ Cơ về nhà. Cuối cùng, Sở Trang vương gả Hạ Cơ cho vị tướng già là Liên Doãn Tương Lão làm kế thê.
Đến năm 597, Liên Doãn Tương Lão dẫn quân đi đánh nước Trịnh và không may tử trận. Sau khi cha mất, con trai của Tương Lão là Hắc Yếu một mực muốn nạp Hạ Cơ làm chính thê. Nhưng Khuất Vu, người đã an bài cho Hạ Cơ kể từ khi cô bị bắt về nước Sở hóa ra đã thầm thích người phụ nữ này. Chính ông đã sắp xếp để Hạ Cơ lấy một lão tướng già cả rồi mượn cuộc chiến để giết Tương Lão. Lần này, thấy Hắc Yếu nổi lòng tham mỹ nhân, Khuất Vu lại tương kế tựu kế, đưa Hạ Cơ đến nước Trịnh chịu tang chồng.
Vào năm 589, Khuất Vu nhân danh đi sứ nước Tề, đem toàn bộ gia sản vòng từ nước Sở sang nước Trịnh để gặp Hạ Cơ. Tại đây, ông hỏi cưới Hạ Cơ rồi cùng nhau chạy sang nước Tấn. Sau gần 10 năm dài chờ đợi, cuối cùng họ đã được ở bên nhau.