Theo đó, Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022, thay thế Nghị định 144/2013. Điểm mới của Nghị định này là nâng gấp đôi mức xử phạt nhóm hành vi bạo lực trẻ em so với Nghị định 144/2013.
Cụ thể, Nghị định 130/2021 quy định mức xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng đối với các hành vi:
- Bắt trẻ nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em; xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa trẻ em.
- Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ…
Cũng với nhóm hành vi trên, Nghị định 144/2013 (được áp dụng trong suốt 8 năm qua) quy định mức phạt chỉ từ 5 đến 10 triệu đồng.
Nghị định 130/2021 cũng bổ sung mức phạt đối với các hành vi vi phạm về hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại, bóc lột, bạo lực.
- Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi không thông báo, không cung cấp, che giấu hoặc ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em có nguy cơ bị xâm hại cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.
- Phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng đối với hành vi không cung cấp, che giấu, ngăn cản cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.
- Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi từ chối, không thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ, kịp thời việc hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Như vậy, không chỉ nâng mức phạt đối với hành vi bạo lực trẻ em, Nghị định 130/2021 còn quy định rõ mức phạt đối với các hành vi cố tình “làm ngơ”, vô trách nhiệm trước việc trẻ em bị bạo lực.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ThS Nguyễn Hải Anh - Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) - cho hay, nghị định 130 nâng mức xử phạt theo hướng tăng nặng giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về mức độ nghiêm trọng của các hành vi bạo lực với trẻ em, đặc biệt gần đây xảy ra vụ đánh đập khiến một bé gái 8 tuổi ở TP.HCM thiệt mạng.
Theo bà Hải Anh, nhiều phụ huynh, người chăm sóc trẻ không nhận biết được đâu là hành vi bạo lực với trẻ em và coi đó là hành vi bình thường để giáo dục trẻ như trừng phạt, đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật; chửi mắng trẻ…
Do vậy, cơ quan chức năng cần mô tả rõ các hành vi vi phạm để mỗi người dân đều có thể nhận biết, phát hiện và báo cáo kịp thời với các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm khắc.
Trên PLO dẫn lời Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học Bộ Công an cũng cho rằng, tình trạng bạo lực trẻ em thời gian gần đây đang diễn ra ngày càng nhiều, không chỉ do chính những người thực hiện hành vi bạo lực mà còn được “tiếp tay” bởi sự vô cảm của những người xung quanh.