Tin mới

Nghi lễ ăn hỏi của người Việt có những gì?

Thứ bảy, 27/07/2019, 21:15 (GMT+7)

Giống với lễ đính hôn của phương Tây, lễ ăn hỏi là nghi thức để cô dâu chú rể chính thức thông báo với tổ tiên về quyết định tiến tới hôn nhân.

Lễ vật

Tráp ăn hỏi của người miền Bắc được sắp xếp theo nguyên tắc “trong chẵn – ngoài lẻ” với quan niệm âm dương ngũ hành, số lẻ tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở và phát triển, số chẵn chỉ cặp đôi sẽ bên nhau trọn đời. Việc sắp xếp tráp như vậy thay cho lời chúc cặp vợ chồng sẽ gắn bó không rời tới đầu bạc răng long và sinh con đàn cháu đống. Số lượng tráp thường là 5, 7, 9 tráp nhưng đối với những gia đình có điều kiện thì số tráp có thể lên tới 11 hoặc 15 tráp.

Những tráp ăn hỏi truyền thống của người dân miền Bắc. Ảnh: Internet

Người miền Nam thì xếp số tráp là số chẵn và thường là 8 tráp vì họ cho rằng số 8 là số đẹp. Trong tiếng Hán, số 8 được đọc là “bát” tương ứng với từ “phát”, mang ý nghĩa rằng mong mọi điều trong cuộc sống từ tình cảm đến con cái của cặp vợ chồng sẽ luôn phát triển tốt đẹp.

Thủ tục

Đội hình bê tráp sẽ gồm cả nam và nữ chưa có gia đình, số nữ đón lễ vật sẽ tương ứng với số nam đưa mâm.

Cô dâu sẽ ở trong phòng chờ chú rể vào đón mới được ra, cặp đôi sẽ đứng trước bàn thờ tổ tiên để thắp nén hương xin được tiến hành nghi lễ ăn hỏi.

Sau đó cô dâu và chú rể sẽ cầm ấm trà để đi mời khách từng bàn trước khi bố mẹ hai bên có đôi lời phát biểu.

Hình ảnh trong lễ ăn hỏi truyền thống. Ảnh: Internet

Cuối buổi lễ, gia đình hai bên sẽ tiến hành chia lễ vật. Sau khi lễ ăn hỏi kết thúc, cô dâu vẫn chưa được về nhà chồng mà phải đợi tới ngày thành hôn, chú rể mới sang xin dâu về nhà mình.

Trang phục

Cô dâu mặc áo dài truyền thống và chú rể mặc comple. Ngày nay, nhiều cặp đôi cả cô dâu và chú rể đều mặc những bộ áo dài cách tân rất đẹp và sáng tạo mà vẫn giữ được phong thái tôn nghiêm, lịch sự trong buổi lễ.


Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news