Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần Tổng Công ty nghe nhìn toàn cầu (AVG), đồng thời chuyển Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 14 bị can về các tội danh Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ và Nhận hối lộ.
Trước khi nhúng chàm, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, Nguyễn Bắc Son đã có 3 thập kỷ phục vụ trong quân ngũ, chiến đấu tại các chiến trường Lào, Quảng Trị, Cao Bằng. Ảnh: NĐT
Theo đó, CQĐT đề nghị truy tố 14 bị can liên quan đến vụ án về các tội danh nêu trên, trong đó bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn (đều là nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) bị đề nghị truy tố về 2 tội danh: "Vi phạm quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và "Nhận hối lộ".
Bị can Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty AVG, bị đề nghị truy tố về tội "Đưa hối lộ".
Theo kết luận điều tra, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khai, trong quá trình thực hiện dự án, ông Phạm Nhật Vũ đã nhiều lần liên lạc, gọi điện thoại, nhắn tin để hối thúc, mong muốn ông Son chỉ đạo để sớm bán được cổ phần cho Mobifone.
Sau khi hoàn thành dự án, Mobifone thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho AVG, ông Vũ đã đến nhà riêng cựu Bộ trưởng Son tại số 36C1 Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đưa cho ông này 3 triệu USD.
Sau khi nhận tiền, ông Son khai đưa cho con gái là Nguyễn Thị Thu H., khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000-400.000 USD nhưng không có tài liệu gì chứng minh.
Ngoài ra, ông Son cũng thừa nhận, vào dịp lễ, tết, ông Son đã nhận tiền của ông Cao Duy Hải, cựu Tổng giám đốc Mobifone, cụ thể 200 triệu đồng dịp 30/4/2015. Ông Son cũng nhận 200.000 USD của ông Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch mobifone dịp Tết âm lịch 2016.
Nhìn nhận tội danh của vị cựu bộ trưởng, trên Kiến thức dẫn lời luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Hà Nội nhận định, những bị can bị khởi tố tội đưa và nhận hối là những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến nhóm tội tham nhũng, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn và uy tín của cơ quan nhà nước, tổ chức, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Theo ông Thơm, tội nhận hối lộ là hành vi của một người có chức vụ quyền hạn đã sử dụng chức vụ quyền hạn của mình để làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ vì lợi ích vật chất (tiền bạc, tài sản...). Tội nhận hối lộ là tội có cấu thành vật chất nên phải xác định trị giá của nhận hối lộ để làm căn cứ xử lý tương ứng theo quy định tại điều 354 Bộ luật hình sự 2015. Vì vậy, nếu có căn cứ xác định các bị can nhận hối lộ với trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ phải đối mặt với hình phạt 20 năm tù, tù chung thân và cao nhất đến tử hình.
Tuy nhiên, theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, người nhận hối lộ sau khi bị tòa tuyên án tử hình, nếu chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì sẽ không bị thi hành án tử hình, mà được chuyển thành tù chung thân theo quy định tại khoản 3 điều 40 BLHS năm 2015.
"Trường hợp người phạm tội nhận hối lộ rơi vào khoản 3 và khoản 4, khi của hối lộ từ 500 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 3 tỉ đồng trở lên thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Tức, dù thời điểm nhận hối lộ có thể là vài chục năm hoặc lâu hơn thế nhưng khi phát hiện, có đầy đủ chứng cứ, thì vẫn xử lý người phạm tội", trên Thanh niên dẫn lời luật sư Tuấn nhấn mạnh.
Còn tội đưa hối lộ được hiểu là hành vi của người đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác (trực tiếp hoặc qua trung gian) để người có chức vụ quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của mình.
Đối với tội đưa hối lộ theo điều 364 Bộ luật hình sự 2015, nếu có căn cứ xác định người đưa hối lộ với trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất đến 20 năm tù giam.