Theo Yoshitaka Morishige, một quan chức thuộc bộ phận bảo tồn của chính quyền tỉnh Yamaguchi, kể từ ngày 8/7, ít nhất 45 người đã bị thương do khỉ Nhật Bản (còn được gọi là khỉ tuyết) trong và xung quanh thành phố. Ban đầu, các quan chức báo cáo rằng các cuộc tấn công là do một con khỉ tinh nghịch gây ra nhưng giờ đây họ không thể xác định thủ phạm là một hay nhiều con vật.
Số vụ tấn công được xác nhận đã tăng hơn gấp đôi trong vòng chưa đầy một tuần. Các nạn nhân từ trẻ mới biết đi đến người già, Morishige nói.
Masato Saito, một quan chức của tòa thị chính Yamaguchi, cho biết các nạn nhân bị trầy xước ở tay, chân, cổ và bụng của họ, nhưng không báo cáo bất kỳ thương tích nghiêm trọng nào. “Gần đây, chúng tôi đã nghe nói về những trường hợp con khỉ bám vào chân của một người và khi họ cố gắng kéo chúng ra, họ sẽ bị cắn nhảy bổ từ phía sau”, ông nói.
Các nạn nhân cho biết họ đã nhìn thấy những con khỉ với kích cỡ khác nhau. "Nhưng việc một con khỉ nhỏ hay lớn sẽ thay đổi từ người này sang người khác vì nó phụ thuộc vào nhận thức của họ", ông Saito nói. "Tất nhiên, chúng tôi có thể xử lý nếu có một đàn khỉ, nhưng trong trường hợp này, chúng tôi không thể nói chắc chắn liệu có một, hai hay vài con khỉ hay không."
Đầu tháng này, nhiều vụ tấn công đã diễn ra khi ít nhất một con khỉ vào nhà và trường học từ lối cửa sổ. Nhưng khi người dân được hướng dẫn đóng các lối đó thì nhiều người bị tấn công bên ngoài hơn, ông Saito nói.
Các cuộc tấn công đã khiến cảnh sát đặt bẫy và tăng cường tuần tra trang bị lưới. Nhưng sau khi không bắt được con khỉ nào, cảnh sát đã được trang bị súng an thần.
Khỉ tuyết có nguồn gốc từ Nhật Bản và được tìm thấy trên hầu hết các hòn đảo tại đây. Mieko Kiyono, một chuyên gia về quản lý động vật hoang dã cho biết: "Khỉ Nhật Bản đã cùng tồn tại với con người từ thời Edo. Nhật Bản rất nhiều núi và các cộng đồng sống gần núi nơi khỉ sinh sống, vì vậy chúng dễ xâm nhập vào các ngôi làng và thị trấn”. Bà nói thêm rằng khỉ sống theo bầy đàn, nhưng những con đực non thường bỏ đi để sống một mình trong một khoảng thời gian. Điều này có nghĩa là con khỉ thực hiện các cuộc tấn công rất có thể là một cá thể đực.
Các quan chức Yamaguchi cho biết những vụ tấn công như vậy rất hiếm. "Đây là một sự việc rất bất thường, trước đây, chúng chưa bao giờ đến một khu đô thị như thế này và hành hung nhiều người như vậy", Saito nói.
Nhưng Kiyono cho biết những loại xung đột giữa người và khỉ ngày càng trở nên phổ biến trong những năm qua. Ngày càng có nhiều khỉ xâm nhập vào nhà và trang trại của người dân, phá hoại mùa màng. Chính quyền địa phương đã nghĩ ra nhiều cách để xua đuổi khỉ, chẳng hạn như dùng pháo hoa. Tuy nhiên, các biện pháp này không phải lúc nào cũng hiệu quả nhưng lại để lại hậu quả là khỉ có thái độ thù địch với con người, thậm chí không thể trở lại môi trường sống ban đầu.
(Theo CNN)
>> Xem thêm: Cái chết của Shinzo Abe: Câu hỏi lớn về an ninh cho yếu nhân tại Nhật Bản