Tin mới

Những chuyện ly kỳ của gia đình 3 đời đêm đêm hì hục đào, bốc mộ

Thứ bảy, 16/04/2016, 16:03 (GMT+7)

Đêm khuya thanh vắng, hai bố con ông Nguyễn Văn Đ. vẫn đang hì hục đào bới những ngôi mộ để tìm những mảnh xương của người đã mất đang nằm lẫn ở đâu đó dưới lớp bùn kia.

Đêm khuya thanh vắng, hai bố con ông Nguyễn Văn Đ. vẫn đang hì hục đào bới những ngôi mộ để tìm những mảnh xương của người đã mất đang nằm lẫn ở đâu đó dưới lớp bùn kia.

Gia đình 3 đời làm nghề đào mộ

Đêm khuya thanh vắng, hai bố con ông Nguyễn Văn Đ. vẫn đang hì hục đào bới những ngôi mộ để tìm những mảnh xương của người đã mất đang nằm lẫn ở đâu đó dưới lớp bùn kia. Hương khói bốc lên nghi ngút cùng với những tiếng khóc nấc, tiếng rên rỉ của người thân càng khiến không khí của nghĩ trang trở lên cô tịch, u ám.

Trước đó, PV báo điện tử Người Đưa Tin được nghe kể về ông như một đồ tể có nghề "gia truyền" đào mộ từ mấy chục năm nay.

Nhà anh H. đã 3 đời làm nghề bốc mộ

Ông Đ. (SN 1958) vốn là người địa phương (một xã ven Tp Phủ Lý - Hà Nam). Từ đời bố ông Đ. đã lấy nghề này làm miếng cơm manh áo. Để tiện cho công việc của mình, gia đình ông được cấp vài chục mét vuông xây nhà ngay cạnh khuôn viên nghĩa trang.

Ông Đ. kể: "Ngày xưa các cụ nghèo lắm, nhà cửa không có phải đi tha hương cầu thực khắp mọi nơi. Ông bố mình ngày xưa cũng chăm chỉ làm thuê cho người ta nhưng cũng chẳng có cái mà ăn.

Khoảng những năm 50 - 55 gì đó, ông bố mình về quê thấy trong làng cần nhân công đi bốc mộ cho người dân nên ông cũng xắn tay áo làm thử. Lúc đó, trong làng cũng có vài người làm. Nhưng càng về sau, những cụ cao niên hay bốc mộ thì mất, giới trẻ hơn thì lại sợ nên chỉ một thời gian ngắn sau chỉ còn lại bố mình trụ lại được với nghề".

Ngày xưa ở những vùng nông thôn miền bắc, cái nghề bốc mộ - đào mộ thường do thường do con cháu trong nhà hoặc những người trong làng, trong xã giúp nhau mà làm. Họ trả công cho nhau bằng bữa cơm hay nắm gạo,.... Nhưng ngày này, cái nghề đào mộ - bốc mả này càng "kén" người làm. Nên dần dần hình thành cái nghề tạm gọi là dịch vụ bốc mộ thuê.

Bản thân ông Đ., ngày xưa cũng chẳng được ăn học đến nơi đến chốn. 16 tuổi, ông đã phải cầm quốc, cầm xẻng cùng bố đi bốc mộ cho nhà người ta hằng đêm. Lúc ở xã này, lúc ở huyện khác,... cuộc sống của ông bấp bênh như đúng những gì ông tâm sự: "Cái nghề này tạm gọi là đủ ăn. Tiền công hầu như họ cho bao nhiều thì lấy bấy nhiêu, chứ chẳng mấy khi kì kèo giá cả".

Nhớ lại khoảnh khắc đầu tiên động vào xương người chết, ông Đ. khẽ rùng mình kể lại: "Ngày đấy thì ông bố và ông chú mình làm chính. Còn mình thì chỉ đứng trên bờ xem rồi mang xương lên cho người khác rửa. Lúc đầu thì thấy sợ, sau thì thấy bình thường".

Đến đời con ông, là anh Nguyễn Văn H. (SN 1980) chẳng ăn học đến nơi đến chốn, cũng chẳng có nghề nghiệp ổn định nên ông Đ. truyền nghề luôn. Coi như đó là cái "duyên" mà 3 đời nhà ông Đ. nhờ nó mà sinh tồn.

Anh H. ngẫm nghĩ một chút rồi bắt đầu câu chuyện của mình: "Thôi thì cái duyên nhưng mình chắc chắn rằng đến đời con mình là chấm dứt". Anh H. khẳng định chắc nịch. Ba đời nhà anh đã "mang tiếng" rồi nên anh không muốn các con anh tiếp tục lấy cái nghề đạo mộ để làm.

Nghề đào mộ - bốc mộ đã nuôi sống 3 đời nhà ông Đ., nhưng nó đem lại không ít phiền toái đến những thế hệ sau này.

Đơn cử, anh H. kể rằng, các con mình đi học hay bị các bạn trêu: "Mấy lần đứa con gái mình khóc lóc về kể với bố là mấy đứa trong lớp trêu bố mẹ mày làm nghề bốc mộ hoặc đại loại là những câu miệt thị, khinh bỉ", anh H. đau lòng kể lại.

Không chỉ có vậy, nghề bốc mộ cũng khiến anh H. gặp khó khăn trong việc yêu và tìm vợ. Ngày xưa, anh H. trải qua một vài mối tình nhưng rồi chẳng đi đến đâu vì con gái ai nhìn vào cái "nghề" của anh cũng bỏ của chạy lấy người.

Có người thì ưng nhưng bố mẹ lại không ưng. Đến năm 30 tuổi, cái tuổi mà ở các vùng nông thôn gọi là "ế", anh mới lập gia đình do mai mối. Tuy nhiên, cuộc sống của vợ chồng anh khá hạnh phúc, khi cả hai vợ chồng cùng làm nghề này.

Anh thì hì hục cuốc từng mảng đất, mò từng mảnh xương. Chị nhà thì ở trên rửa tỉ mỉ những mảnh xương của người chết rồi cẩn thận cho vào tiểu. Cuộc sống của anh chị hàng đêm vẫn diễn ra như thế.

Những câu chuyện ly kỳ về nghề đào mộ

Làm công việc này, nhiều khi ông Đ. không tránh khỏi những câu chuyện ly kì mà khoa học khó có thể giải thích được. Sẽ có những câu chuyện mà ông Đ. kể lại, nhiều người sẽ cho rằng những điều đó là hoang tưởng, không có thật. Nhưng bản thân ông lại khẳng định rằng: “chuyện tâm linh khó nói lắm”.

“Có những chuyện mình không thể giải thích được đâu. Ví dụ như có một lần mình nhớ rõ ràng 3 năm trước, chính tay mình chôn một cụ ông ở đây. Nhưng khi bốc mộ thì đào mãi, đào mãi không thấy không thấy đâu. Chỉ khi đứa cháu đích tôn của ông cụ ra thắp hương khấn vái thì đùng 1 phát tìm thấy chỗ cụ nằm”, ông Đ. thuật lại.

“Hoặc có một gia đình 5 năm mới bốc mộ. Gia đình đó đi chiêm bái tư phương để hỏi xem cụ đã ‘sạch’ chưa. Nhưng khi bốc lên cụ vẫn còn nguyên, mới chỉ tiêu mỗi mấy đốt ngón tay. Ai nhìn vào cũng tưởng cụ đang ngủ vậy.

Mà ngày trước cụ mất là do tuổi già, không uống thuốc hay bị bệnh gì cả. Ngay cả miếng đất an táng cụ cũng rất bình thường. Ấy thế mà để 5 năm rồi, mà cụ không ‘tiêu’”- Ông Đ. khẽ kể lại.

Ông Đ. Cho rằng: “Nghề bốc mộ là nghề rất linh thiêng. Nhiều khi làm không khéo vô tình động mả thì con cháu sẽ bị ảnh hưởng không ít”.

Tiếp lời ông Đ. “Ví dụ như gia đình tôi nói trên, vì không xem ngày giờ cẩn thận để cụ phải táng 2 lần nên gia đình nhà đó cứ ôm đau liên miên, có người còn khuynh gia bại sản chỉ trong1 thời gian ngắn. Vì vậy, những người làm việc đào mộ, đào mả như chúng tôi phải rất cẩn thận tỉ mẩn để vừa giúp người, vừa giúp mình”.

Tuy nhiên, càng ngày càng có ít người đi theo phương thức táng truyền thống là chôn 3 năm rồi bốc mộ. Thay vào đó, nhiều gia đình đã và đang chuyển sang phương thức hỏa táng hay táng 1 lần vừa để tiết kiệm chi phí cũng như bảo vệ môi trường. Vì vậy, những người làm nghề bốc mộ như ông Đ. hay anh H. Càng ngày càng có ít đất để mưu sinh.

Rít một điếu thuốc, anh H. Tâm sự: “Cái nghề này chắc chỉ tồn tại được một một thời gian nữa thôi. Đến ngày đó, mình lại chọn nghề khác”, anh H. thở dài.

Tiểu Lâm

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: gia dình ngôi mộ