Tin mới

Những điều ít biết về chủ nhân giải Nobel Hòa Bình trẻ nhất thế giới

Thứ sáu, 20/02/2015, 08:58 (GMT+7)

Khi chiếc huy chương Nobel Hòa Bình 2014 được trao cho cô gái 17 tuổi, Malala Yousafzai, thế giới đã không khỏi ngỡ ngàng khi lần đầu tiên trong lịch sử giải thưởng danh giá này được trao cho một người trẻ tuổi như vậy.

Khi chiếc huy chương Nobel Hòa Bình 2014 được trao cho cô gái 17 tuổi, Malala Yousafzai, thế giới đã không khỏi ngỡ ngàng khi lần đầu tiên trong lịch sử giải thưởng danh giá này được trao cho một người trẻ tuổi như vậy.

 

Tuy nhiên, theo những người từng làm việc hay biết đến cô nữ sinh người Pakistan có lối quảng bá hòa bình "dũng cảm và dịu dàng" này thì những đóng góp trong việc bảo vệ quyền trẻ em của cô lớn hơn nhiều những gì người ta biết đến...

Tìm kiếm hòa bình trong mảnh đất bom đạn

Tháng 8/2014, gần bốn tháng sau khi bị phiến quân Boko Haram bắt cóc, hơn 200 nữ sinh ở ngôi trường phía Bắc Nigeria vẫn chưa trở về nhà. Lúc này dù Chính phủ Nigeria đã có kết luận điều tra rõ ràng về vụ bắt cóc, báo chí đưa tin rầm rộ về vụ việc nhưng gia đình các nữ sinh bị hại vẫn mòn mỏi chờ đợi lời phát ngôn chính thức và sự sẻ chia từ người đứng đầu Nhà nước. Cuộc gặp mặt của tổng thống Jonathan với thân nhân các nữ sinh liên tục bị trì hoãn. Ấy vậy nhưng vào lúc thân nhân các nữ sinh đã tuyệt vọng về một cuộc gặp mặt thì bất ngờ tổng thống Nigeria đã mời từng gia đình có các nữ sinh bị bắt cóc đến một hội trường lớn ở Thủ đô và tại đây ông đã bày tỏ nhiều sẻ chia cũng như đưa ra các cách thức hỗ trợ.

Chủ nhân giải Nobel Hòa Bình trẻ tuổi nhất thế giới.

Ai cũng biết cuộc gặp gỡ lịch sử này là kết quả của một cuộc "đấu tranh ngoại giao" không mỏi mệt. Tuy nhiên, ít ai biết rằng người thúc đẩy cuộc gặp gỡ ấy không phải là những cái tên đáng nể trong các cuộc đấu tranh cho quyền lợi của người dân ở các nước Hồi giáo như Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, John Kerry, Thủ tướng Anh David Cameron hay đại sứ hòa bình Angelina Jolie. Người đó chính là cô gái 17 tuổi, một nữ sinh vẫn còn yêu các trò chơi con trẻ, thích sữa sôcôla và thậm chí chưa đủ tuổi để sử dụng điện thoại: Malala Yousafzai.

Để thuyết phục Tổng thống Jonathan gặp gỡ thân nhân các cô gái bị bắt cóc, Malala Yousafzai đã không tiếc đầu tư thời gian và công sức. Đầu tiên, cô tìm đến những nữ sinh đã may mắn trốn thoát khỏi những kẻ bắt cóc Boko Haram để trò chuyện, sẻ chia. Tiếp đó, Malala Yousafzai thu thập thêm thông tin từ thân nhân các nữ sinh bị bắt cóc vẫn chưa được về nhà và tổng hợp toàn bộ tin tức mà cô có được để gửi tới Tổng thống Jonathan. Trong một bức thư gửi người đứng đầu Nhà nước Nigeria, Malala Yousafzai viết: "Thưa ông Jonathan, ông là người đã được người dân lựa chọn làm Tổng thống vì thế nhiệm vụ của ông là phải bảo vệ công dân nước mình". Cùng với đó, cô gái này cũng tranh thủ tìm cách gặp gỡ giới báo chí và dùng các phương tiện truyền thông này tác động nhằm thúc đẩy cuộc gặp mặt của tổng thống với thân nhân các cô gái bị bắt cóc, cuộc gặp mà Malala Yousafzai đánh giá rằng "có ý nghĩa tinh thần lớn lao với gia đình và các cô gái bị bắt cóc".

Malala bên các nữ sinh may mắn trốn thoát khỏi bàn tay tàn bạo của Boko Haram.

Cũng giống như các cô gái 17 tuổi khác, vào các ngày trong tuần Malala Yousafzai học tập ở trường, làm bài tập về nhà, chơi đùa với bạn và chơi những trò chơi con trẻ như điện tử, đánh cờ. Nhưng khác với những bạn bè đồng trang lứa, cô luôn cất lên tiếng nói vì hòa bình trong một thế giới hỗn loạn. Đã từ rất lâu, ở đất nước Pakistan, cô luôn là người được nghĩ đến mỗi khi ai đó gặp bế tắc. Những cuộc điện thoại liên tục đổ về nơi cô ở. Người gọi điện đó có thể là cô gái may mắn trốn thoát khỏi tay những kẻ khủng bố nhưng khi trở về nhà lại bị trầm cảm nặng nề. Đó cũng có thể là những người cha người mẹ có con rơi vào tay khủng bố đầy xót xa và bế tắc... Bất cứ ai khi trò chuyện cùng cô cũng đều cảm thấy được an ủi. Còn Malala Yousafzai cũng chủ động liên lạc với những nhân vật mà cô biết có thể giúp đỡ cô trong chặng đường đấu tranh vì quyền giáo dục của các bé gái và quyền trẻ em. Cô thường xuyên trao đổi qua skype với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, trò chuyện với giám đốc hoạt động của Facebook, Sheryl Sandberg hay thư từ qua lại với nghệ sỹ âm nhạc nổi danh Beyoncé.

Trở thành biểu tượng toàn cầu từ vụ ám sát

Ngày 9/10/2012, trên chiếc xe buýt, Malala Yousafzai và các bạn cùng nhau chuyện trò và hát hò với các thầy cô giáo. Nhưng khi chiếc xe vừa ra khỏi thành phố Mingora, Pakistan thì có hai người đàn ông cầm súng chặn lại và tìm đến Malala Yousafzai rồi chĩa thẳng súng vào em. Một phát súng trúng đầu và một phát trúng cổ cô nữ sinh và khiến cô phải cắt bỏ đi một phần xương sọ. Hiện Malala Yousafzai đang được điều trị tại bệnh viện ở Anh và dự kiến sẽ còn phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật.

Không phải ngẫu nhiên Taliban chọn Malala Yousafzai làm mục tiêu để thanh trừng tàn bạo như vậy. Từ tháng 9/2008, Malala Yousafzai bắt đầu phát biểu về quyền giáo dục khi cha cô đưa cô tới Peshawar để phát biểu tại một câu lạc bộ báo chí địa phương. Cô đã phát biểu: "Tại sao Taliban lại dám tước lấy quyền được giáo dục cơ bản của tôi?". Lời phát biểu này sau đó được đăng tải lên các báo trong nước và các kênh truyền hình. Mười một tuổi, cô bé Malala Yousafzai bắt đầu viết cho chuyên mục blog của BBC. Những gì cô viết đơn giản chỉ là mô tả lại cuộc sống của cô tại vùng thung lũng Swat tại Tây Bắc Pakistan và thúc đẩy giáo dục cho nữ giới tại quê hương cô. Thời điểm đó, tàn quân Taliban đang nắm giữ vùng này và chúng không cho phép trẻ em nữ được đến trường. Nhưng Malala Yousafzai lại không chấp nhận điều đó. Cô thậm chí còn cổ vũ các bạn nữ của mình đến trường. Lo lắng Malala Yousafzai gây nên làn sóng phản đối, Taliban đã tìm cách thủ tiêu cô bằng một phát súng vào đầu ở cự ly gần như vậy.

Và sau lần bị bắn năm đó, chính quyền Taliban tưởng rằng Malala Yousafzai không bao giờ còn dám trở lại công cuộc tranh đấu cho giáo dục nữa. Nhưng không ngờ, Malala Yousafzai vẫn tiếp tục đấu tranh không ngừng nghỉ. Kể từ tháng 11/2012, lời kêu gọi của Malala Yousafzai được gửi đi khắp thế giới, từ những lớp học nghèo nàn thô sơ, nơi trẻ em phải ngồi học trên nền đất, cho đến hội trường của trụ sở Liên Hiệp Quốc và tổ chức chính quyền ở nhiều quốc gia, cũng như nhiều tổ chức thiện nguyện phi chính phủ. Cô vận động mọi gia đình cho con gái trong nhà cắp sách đến trường học. Không chỉ vậy, cô còn đích thân đi gặp ông Richard Holbrook, Đại sứ đặc nhiệm của Hoa Kỳ tại hai nước Pakistan và Afghanistan, để xin ông giúp đỡ cho các trường học ở Pakistan. Sau đó, Malala Yousafzai trở thành người phát ngôn của phong trào tranh đấu cho nữ quyền, và quyền được cắp sách đi học của phụ nữ. Cô cũng vận động thành lập quỹ Từ thiện mang tên mình để giúp đỡ trẻ em gặp khó khăn.

Hiện tại, Malala Yousafzai trở thành nhân vật bênh vực quyền lợi cho trẻ em nổi tiếng nhất thế giới. Lúc ban đầu, chính nghĩa Malala Yousafzai chỉ tranh đấu để Chính phủ Pakistan phải hứa cho các em gái được cắp sách đi học giống như bé trai. Sau đó, cũng từ ngọn cờ tranh đấu của em, phát sinh ra những vấn đề lớn hơn như vấn đề chăm sóc y tế, an ninh của trẻ em ở các nước đang phát triển, quyền căn bản của phụ nữ và chống lại những thuyết giáo điều, cực đoan. Và khẩu hiệu "I am Malala" (tạm dịch: Tôi là Malala) xuất hiện trong hầu hết các cuộc vận động giáo dục cho nữ giới, kể cả chiến dịch phổ cập giáo dục do Ủy ban Giáo dục Toàn cầu của Liên Hiệp Quốc tổ chức. Năm 2014, cô lọt vào danh sách 10 phụ nữ có ảnh hưởng nhất thế giới. Còn cựu Thủ tướng Anh, ông Gordon Brown, quyết định chọn ngày 10/11 là "Ngày Malala" để vinh danh cô bé can đảm này.

Quảng bá hòa bình một cách dũng cảm và dịu dàng

Đấu tranh đòi quyền giáo dục cho phụ nữ là một nhiệm vụ nặng nề với cô gái 17 tuổi, nhưng đó lại cũng chính là điều Malala Yousafzai coi trọng. "Những cô gái sống dưới chế độ Taliban cần sự hỗ trợ của chúng tôi. Tôi muốn ở đó với họ. Tôi muốn được ở bất cứ đâu trong thế giới nơi mà có nhiều điều bất ổn đang xảy ra", Malala Yousafzai đã từng phát biểu với báo giới như vậy. Bằng những cách thức nhẹ nhàng mà hiệu quả, cô gái 17 tuổi này đã lập nên nhiều kỳ tích trong việc đấu tranh cho hòa bình ở mảnh đất nhiều lửa đạn. Cô được Tổng thư ký Liên Hợp Quốc yêu mến đặt cho biệt danh: "Người quảng bá hòa bình dũng cảm và dịu dàng".

Đào Vũ (Theo Dailymail, The Time)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news