Ủy ban Điều tra Nga, cơ quan có chức năng tương đương với FBI của Mỹ đang kêu gọi Đại úy Vladislav Voloshin thực hiện một bài kiểm tra phát hiện nói dối và đối mặt với điều tra chính thức sau khi cho biết đang sở hữu những bằng chứng thuyết phục chống lại sự vô tội của anh.
Ủy ban này có được tên của đại úy Voloshin từ một nguồn tin của một “nhân chứng bí mật” thuộc căn cứ không quân Dnipropetrovsk. Nhân chứng cho biết viên phi công mới gần 30 tuổi này đã lái một chiếc máy bay chiến đấu Su-17 có trang bị tên lửa cất cánh hôm 17/7/2014, rồi trở về mà không còn quả tên lửa nào không lâu sau khi chiếc Boeing 777 bị bắn hạ trên bầu trời Đông Ukraine.
Đại úy Vladislav Voloshin, người bị cáo buộc bắn hạ máy bay MH17. (Nguồn: DM)
Nhân chứng cũng nói rằng sau khi hạ cánh, Voloshin rất “hoảng sợ” và luôn lẩm bẩm về “chiếc máy bay” - được cho là MH17 - “đã xuất hiện không đúng chỗ và không đúng lúc.”
Ủy ban Điều tra do ông Alexander Bastrykin, một người bạn cùng lớp của Tổng thống Vladimir Putin, lãnh đạo đã yêu cầu nhân chứng này trải qua một bài kiểm tra phát hiện nói dối và kết quả cho thấy lời khai của anh ta là đáng tin cậy. Voloshin vẫn chưa đưa ra phát biểu trực tiếp nào về vụ MH17, nhưng các tướng lĩnh cấp cao của quân đội Ukraine đã phủ nhận trách nhiệm của anh.
Từ sau khi thảm kịch xảy ra, chính quyền Moskva đã liên tục khẳng định MH17 bị một máy bay chiến đấu của Ukraine bắn rơi, đồng thời quyết liệt phủ nhận các phân tích của phương Tây cho rằng chiếc máy bay đã bị một tên lửa đất đối không của lực lượng nổi dậy bắn hạ. Kênh truyền thông của lực lượng nổi dậy thân Moskva ở Đông Ukraine đã gọi Voloshin là “phi công bắn rơi MH17” và đưa ra những đoạn phim tư liệu về anh với tên gọi “đao phủ tương lai.”
“Hãy để Voloshin thực hiện bài kiểm tra phát hiện nói dối với các chuyên gia Malaysia hoặc Hà Lan. Đại diện của Ủy ban Điều tra Nga sẵn sàng tới Ukraine với tất cả các thiết bị cần thiết để kiểm tra phi công Voloshin và những người khác có thể biết điều gì đó về vụ tai nạn,” người phát ngôn của ủy ban điều tra, ông Vladimir Markin cho biết.
Những hình ảnh đầu tiên về phi công bị tình nghi đã bắn hạ MH17 - Ảnh 2
Một nhân chứng bí mật tại căn cứ không quân Dnipropetrovsk đã tiết lộ danh tính của Voloshin. (Nguồn: DM)
Ủy ban Điều tra cũng yêu cầu quân đội Ukraine công bố nhật ký bay ngày 17/7 và cho phép Nga tra hỏi những nhân viên kiểm soát không lưu.
“Chúng tôi đang chờ hồi âm từ cơ quan tình báo Ukraine (SBU),” Markiyan Lubkivskyi, một quan chức của SBU thì cực lực khẳng định Voloshin không hề tham gia không chiến vào ngày 17/7, ngày mà MH17 bị bắn rơi, cũng như không hề dùng vũ khí để nhắm vào các mục tiêu trên không trong cuộc xung đột.
“Sỹ quan đã không hề cất cánh ngày hôm đó, và máy bay của anh ta thì phải sửa chửa vì hư hại trong khi hạ cánh hôm 16/7,” ông Lubkivskyi cho biết và buộc tội Moskva đang muốn làm Ukraine mất uy tín. Ông cũng cho biết Voloshin phủ nhận việc anh ta đã bắn MH17. Hiện viên phi công vẫn chưa có tiếp xúc trực tiếp với giới truyền thông.
Thư ký Hội đồng An ninh Quốc phòng Ukraine, ông Oleksandr Turchynov cho rằng Moscow đang tìm cách “che đậy những tội lỗi chính mình gây ra, trong đó có những tội chống lại thường dân.” Ông nhận định:
“Một loạt bằng chứng, bao gồm hình ảnh từ vệ tinh cho thấy những nhóm khủng bố do Nga điều khiển đã bắn hạ chiếc máy bay chở khách. Họ đã dùng hệ thống tên lửa đất đối không BUK của Nga.”
Chính quyền Moskva đã ra lệnh đưa “người thổi còi” của họ vào chương trình bảo vệ nhân chứng để tránh việc anh ta bị Ukraine xử tử.
Những hình ảnh đầu tiên về phi công bị tình nghi đã bắn hạ MH17 - Ảnh 3
Viên phi công trẻ mới gần 30 tuổi, từng học ở trường Không quân Kharkiv và đã được tổng thống Poroshenko trao huân chương Dũng cảm. (Nguồn: DM)
“Nhân chứng có thể sẽ gặp nguy hiểm, vì thế các nhân viên điều tra đang cân nhắc việc đưa anh ta vào chương trình bảo vệ,” ông Markin cho biết. Nhân chứng hiện cũng đang sử dụng tên giả. Anh ta cho biết đã “tự mình” nhìn thấy máy bay chiến đấu của Voloshin mang theo tên lửa R-60, loại tên lửa mà cả máy bay Su-25 cũng không thường được trang bị, và trở về mà không còn quả tên lửa nào.
Markin khẳng định điều này đã khẳng định lời khai của những nhân chứng khác nói rằng “không lâu trước khi máy bay rơi, họ đã trông thấy một máy bay chiến đấu bay rất gần chiếc máy bay chở khách.”
Sáu tuần sau khi máy bay MH17 gặp nạn, máy bay của Voloshin đã bị bắn hạ ở miền Đông Ukraine. Viên phi công đã thoát ra và trốn khỏi vùng kiểm soát của quân nổi dậy. Voloshin từng tốt nghiệp Đại học Không quân Kharkiv. Hai ngày sau khi máy bay của mình bị rơi, anh nằm trong số những người được Tổng thổng Petro Poroshenko trao Huân chương Dũng cảm./.
Theo TTXVN