Tin mới

Những sai lầm dễ mắc phải khi bao sái bàn thờ gia tiên ngày cuối năm

Thứ ba, 23/01/2024, 18:38 (GMT+7)

Khi dọn dẹp bàn thờ gia tiên dịp cuối năm để chào đón năm mới, gia chủ cần đặc biệt lưu ý trong cách bao sái bàn thờ để tránh mắc phải những sai lầm này.

Bàn thờ gia tiên là nơi linh thiêng, trang trọng nhất trong mỗi gia đình Việt. Trước dịp quan trọng như Tết Nguyên đán, bàn thờ gia tiên được các gia đình thực hiện dọn dẹp. Tuy nhiên trong quá trình dọn dẹp, bao sái bàn thờ, cần chú ý những điểm sau để tránh mắc phải những sai lầm có thể làm ảnh hưởng đến tài lộc của gia đình.

Những sai lầm dễ mắc phải khi bao sái bàn thờ gia tiên ngày cuối năm - Ảnh 1
 

Xê dịch bát hương

Việc xê dịch bát hương đặc biệt kiêng kỵ trong phong thủy. Khi thực hiện bao sái bàn thờ gia tiên, gia chủ cần lưu ý điều này. Bất kỳ sự di chuyển không cần thiết nào cũng có thể dẫn đến việc bát hương bị lệch ra khỏi vị trí tốt lành theo quan niệm Phong thủy gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với vận khí của gia đình. Nếu trong trường hợp thay bàn thờ hoặc chuyển nhà, việc di chuyển bát hương là điều không thể tránh khỏi.

Kiêng kỵ việc xê dịch bát hương. Ảnh: Internet
Kiêng kỵ việc xê dịch bát hương. Ảnh: Internet

Tỉa chân nhang không đúng cách

Vào dịp cuối năm, sau khi làm lễ cúng Ông Công ông Táo, nhiều gia đình thực hiện bao sái bàn thờ, tỉa chân nhang. Nhưng vì thiếu kiến thức nên nhiều người đã tỉa chân nhang sai cách dẫn tới bị "động bát hương".

Tỉa chân nhang nghĩa là rút từ từ từng chân hương khỏi bát hương, để lại trong bát hương khoảng 3 hoặc 5 chân hương cũ. Đặc biệt, không được nhấc bát hương lên rồi đổ hết tro ra ngoài. Điều này khiến cho vận khí bàn thờ bị ảnh hưởng dẫn tới tài lộc của gia đình cũng bị hao tán. 

Cho nên khi tỉa chân nhang, rút nhẹ nhàng chân nhang ra bên sau đó hóa đi. Tro tàn của chân nhang sau khi hóa mang đổ vào gốc cây sạch. 

Bao sái bàn thờ bằng đồ dùng không sạch

Bàn thờ là nơi linh thiêng nhất trong gia đình, chính vì vậy mà những đồ dùng, vật dụng trên bàn thờ khi thực hiện bao sái cũng phải đảm bảo là những đồ dùng sạch sẽ nhất. Khi thực hiện dọn dẹp bàn thờ phải có khăn riêng để bao sái bát hương và khăn riêng để lau dọn các vật phẩm trên bàn thờ. Đặc biệt không dùng khăn bẩn hoặc giẻ lau nhà, lau bếp để mang lau dọn bàn thờ, dù giặt sạch cũng không được.

Về phần nước bao sái bàn thờ, không nên dùng nước lã hoặc nước từ sông ngòi, ao hồ. Nên dùng nước đun sôi để nguội hoặc nước khoáng sạch để bao sái bát hương và bàn thờ. Ngoài ra, còn một số loại nước thảo mộc, nước ấm, nước rượu gừng pha loãng có thể dùng để bao sái.

Một số lưu ý khác khi bao sái bàn thờ

- Đối với những không gian bàn thờ hạn chế, nên chú ý tỉa chân nhang trong thời hạn nhất định. Không nhất thiết phải đợi cuối năm mới có thể tỉa chân nhang. Điều này vừa giúp bàn thờ thông thoáng, gọn gàng lại tránh được hỏa hoạn.

- Sau khi bao sái bàn thờ cần thay nước bình hoa, nước cúng mới, cắm hoa mới và dâng chút lễ mọn cùng thắp 3 nén hương để tạ và mời thần linh và gia tiên ngự lại.

- Khi phát hiện bàn thờ bị hư hỏng, mối mọt hoặc các vật phẩm bị vỡ nứt trong quá trình bao sái, cần thay mới.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: tết nguyên đán