Tôi cứ ngỡ rằng mình sẽ đủ cao thượng, đủ bao dung, đủ bản lĩnh để xem việc này nhẹ nhàng như không có gì, vậy mà nó cứ giằng xé tôi hết ngày này sang ngày khác.
Em gái tôi là một người khuyết tật ở chân vì gặp tai nạn từ hồi còn nhỏ, bố mẹ tôi mất sớm nên tôi là người đã nuôi nấng, chăm sóc em. Tôi kết hôn nhưng vẫn ở cùng em gái vì trách nhiệm của người chị, và may mắn là chồng tôi cũng đồng cảm với tôi, cùng tôi chăm lo cho em.
ảnh minh họa |
Đã ba năm tôi xây dựng gia đình nhưng chúng tôi vẫn chưa có con, mặc dù đã thăm khám khắp nơi nhưng tôi vẫn không thể sinh con. Chồng tôi là một người rất tốt, anh không hề nhắc đến chuyện phải sinh con nhưng tôi biết anh vẫn luôn ao ước có tiếng trẻ con trong nhà. Bởi anh vừa là con một, bố mẹ lại ly dị nên hơn ai hết anh mong có một gia đình vẹn tròn, vậy mà tôi lại không thể thực hiện được thiên chức làm mẹ.
Cuộc sống vợ chồng dường như rơi vào địa ngục với những chuỗi ngày trầm lặng chẳng ai nói với ai câu nào. Em gái tôi cũng thấu hiểu nỗi lòng của chị nên vô cùng khổ tâm cứ nghĩ mình là gánh nặng của chị nên chị mới lấy chồng muộn không thể sinh con.
Một hôm, hai chị em cùng ăn cơm mà không có anh ở nhà, em gái tôi thủ thỉ muốn giúp chị mang thai hộ. Tôi lặng người, đặt bát cơm xuống mà nước mắt nghẹn ngào, tôi biết em gái mình lo nghĩ cho mình nên mới mang lời đề nghị đó nói với tôi. Mà hơn hết gia đình chúng tôi không khá giả để có thể đi thụ tinh nhân tạo.
Tôi chỉ im lặng trước lời đề nghị ấy, một phần tôi nghĩ thực tế về hoàn cảnh gia đình mình không có điều kiện thì việc em gái tôi muốn giúp vợ chồng tôi cũng hợp lí. Nhưng để san sẻ tình cảm, hay việc anh cùng chăn gối với em cũng khiến tôi đau đớn. Nếu sau này khi đứa trẻ ra đời tôi sẽ yêu nó như con hay mang tâm lí mặc cảm không phải mẹ đẻ mà không chăm sóc nó tử tế thì làm sao?
Tôi mang lời đề nghị này nói với chồng, mới đầu chồng tôi cũng ái ngại như tôi, nhưng sau khi nghe tôi phân tích anh cũng đồng ý.
Nhưng khi tất cả đã sẵn sàng thì chính tôi là người bị dao động. Tôi sợ rằng tình cảm của anh bị san sẻ, tôi sẽ không còn là người phụ nữ duy nhất của anh nữa. Tôi cứ ngỡ rằng mình sẽ đủ cao thượng, đủ bao dung, đủ bản lĩnh để xem việc này nhẹ nhàng như không có gì, vậy mà nó cứ giằng xé tôi hết ngày này sang ngày khác. Tôi phải làm sao?
Email:[email protected]
Trả lời:
Chị phải đấu tranh giằng co căng thẳng với chính bản thân mình. Âu cũng là lẽ thường tình trong bản tính, trong tình yêu của mỗi con người. Cho dù, người mà chị chia sẻ tình cảm là đưa em gái ruột- vô cùng tri ân chị, coi chị như người mẹ của mình. Ban đầu nghe em gái nói, chị vô cùng sửng sốt nhưng rồi chị đã tĩnh tâm, và trân trọng lời đề nghị đó – như một sự tri ân của đưa em gái đối với mình. Với nghĩa cử đó của em gái chị, nó hy vọng vẫn có chị, có anh, có gia đình hạnh phúc, không mất ai cả. Để cuộc đấu tranh nội tâm của chị nhanh đi đến hồi kết, chúng tôi cũng muốn thông tin đến chị rằng, nếu em gái chị đã đủ tuổi 18, vợ chồng chị đã đi đến thống nhất thì lời đề nghị của em gái chị là hợp pháp, hợp luật ( Quốc hội đã họp và đồng ý với những quy định về mang thai hộ với những người cùng hàng). Nếu quyết định như vậy, gia đình chị được nhiều hơn mất.
Chúc chị thành công và hạnh phúc!
Chuyên mục hợp tác giữa báo Người đưa tin và Tư vấn Thanh Tâm thuộc Hội khoa học tâm lý tư vấn giáo dục Việt Nam. Tâm sự và chia sẻ của bạn đọc chuyên mục Adam-Eva xin vui lòng gửi về địa chỉ email:[email protected] hoặc gọi điện qua đường dây 1900 6674 để được giải đáp. |